menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tăng vào phiên sáng 9/11

11:12 09/11/2023

Giá dầu tăng vào phiên sáng thứ năm (9/11) khi thị trường tìm kiếm thêm manh mối về tình trạng nhu cầu từ hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
 
Dầu thô Brent tăng 62 cent, tương đương 0,8%, lên 80,16 USD/thùng. Dầu thô Mỹ tăng 61 cent, tương đương 0,8%, ở mức 75,94 USD/thùng.
Sự gia tăng này diễn ra một ngày sau khi cả hai loại dầu chuẩn này giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7 do lo lắng về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông giảm bớt và mối lo ngại về nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Dữ liệu lạm phát của Trung Quốc công bố hôm thứ Năm cho thấy CPI tháng 10 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dữ liệu PPI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tuần này, dữ liệu hải quan cho thấy tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc giảm nhanh hơn dự kiến, mặc dù nhập khẩu dầu thô trong tháng 10 rất mạnh.
Thông tin tích cực đối với nhu cầu dầu mỏ, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng cho biết nước này dự kiến sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 5% trong năm nay.
Đối với Mỹ, dữ liệu tồn kho có thể cho thấy nhu cầu đang yếu. Các nguồn tin trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 11,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 3 tháng 11.
Công ty Barclays hôm thứ Tư đã cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent năm 2024 xuống còn 93 USD/thùng, do nguồn cung dầu của Mỹ ổn định và sản lượng cao hơn từ Venezuela sau khi các lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất Mỹ Latinh này được nới lỏng.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Ngày 14/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm tới, dù tăng trưởng kinh tế dự kiến tại hầu hết các nền kinh tế lớn đều chững lại.
Đối với năm 2023, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ từ mức 2,3 triệu thùng/ngày lên mức 2,4 triệu thùng/ngày và tiến gần hơn đến dự báo 2,46 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong năm 2024, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ lên 930.000 thùng/ngày từ 880.000 thùng/ngày, vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo 2,25 triệu thùng/ngày của OPEC.
IEA cho biết dù việc Saudi Arabia và Nga tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm nay sẽ thu hẹp nguồn cung và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ có khả năng chững lại, thì cán cân trên thị trường dầu mỏ sẽ nghiêng về thặng dư vào đầu năm 2024.
Theo IEA, về tổng thể, trong khi tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ và kinh tế được dự báo kém khởi sắc vào năm tới, thì nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 vẫn đang được hỗ trợ nhờ nhu cầu tăng kỷ lục vào tháng 9 vừa qua tại thị trường Trung Quốc và lượng giao hàng ổn định tại Mỹ. Nhấn mạnh trong bối cảnh nhu cầu vẫn vượt quá nguồn cung sẵn có khi bước vào mùa Đông ở Bắc bán cầu, cán cân thị trường sẽ dễ bị "tổn thương" trước những rủi ro kinh tế và địa chính trị gia tăng, cũng như những biến động tiếp theo trong thời gian tới.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,46 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102,1 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo tháng trước.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 0,08 triệu thùng/ngày đạt 45,8 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày đạt 56,2 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác. 

Nguồn:VITIC/Reuters