Dầu thô Brent giảm 51 US cent tương đương 0,8% xuống 62,65 USD/thùng. Giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm 53 US cent tương đương 0,9% xuống 59,24 USD/thùng.
Trong khi dự trữ dầu thô Mỹ giảm nhiều hơn dự báo của các nhà phân tích, dữ trữ xăng tăng mạnh so với dự đoán.
Tồn kho dầu giảm 3,5 triệu thùng trong tuần trước, xuống gần 502 triệu thùng. Dự trữ xăng tăng 4 triệu thùng so với kỳ vọng giảm xuống chỉ còn hơn 230 triệu thùng do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng trước mùa hè.
Các thương nhân cho biết, nguồn cung đang tăng trên toàn thế giới với sản lượng của Nga tăng trong những ngày đầu tháng 4 so với mức trung bình của tháng 3.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 6%, cao hơn mức 5,5% đưa ra hồi tháng 1/2021. Việc triển khai vắc-xin Covid-19 cộng với triển vọng lạc quan từ các nền kinh tế lớn là cơ sở để IMF đưa ra mức dự báo này.
Theo IMF, Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có đà phục hồi ấn tượng. Dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 6,4% trong năm nay và quay về mức trước đại dịch sau khi suy giảm tới 3,5% trong năm 2020. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được nâng dự báo từ mức 8,1% lên 8,5% trong năm nay.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được IMF dự báo có thể tăng 6,7% trong năm 2021, riêng kinh tế Ấn Độ có thể tăng tới 12,5%. Còn với các nền kinh tế phát triển, mức dự báo tăng trưởng được đưa ra là 5,1%.
Tăng trưởng kinh tế cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với xăng dầu và các sản phẩm giúp giảm lượng dự trữ.
Cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran để khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Nếu thành công, việc này có thể dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran.
Nguồn:VITIC/Reuters