Trong báo cáo Grains Stocks, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tồn kho ngô cuối quý 3 của Mỹ ở mức 1,36 tỷ giạ, thấp hơn mức 1,43 tỷ giạ dự đoán trung bình của giới phân tích và mức 1,38 tỷ giạ cùng kì năm ngoái. Mặc dù về lý thuyết sẽ có tác động hỗ trợ giá, tuy nhiên, con số này lại hoàn toàn nằm trong khoảng dự đoán của thị trường. Bên cạnh đó, các mặt hàng nhóm nông sản lao dốc cũng ảnh hưởng gián tiếp khiến ngô suy yếu. Với việc các tác động "bearish" đã phản ánh vào diễn biến giá, ngô có thể tiến về các vùng kháng cự rồi tiếp tục suy yếu.
Một điều cũng cần được quan tâm đối với thị trường ngô hiện tại là tiến độ gieo trồng đậu tương tại Brazil đang khá chậm. Theo hãng tư vấn Patria AgroNegocios, tính đến ngày 29/9, nông dân Brazil mới chỉ trồng 4,64% diện tích đậu tương dự kiến trong niên vụ 2023/24, thấp hơn một chút so với mức 4,8% trong cùng kì năm ngoái và mức 4,81% trung bình lịch sử. Các chuyên gia cho biết, tiến độ mùa vụ đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa không đồng đều.
Tại bang Mato Grosso, bang sản xuất lớn nhất của Brazil, tiến độ trong tuần khá chậm, phản ánh tình trạng thiếu mưa trên diện rộng. Nếu tình trạng thiếu mưa tiếp tục diễn ra, tiến độ tiếp tục chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến đến vụ ngô thứ hai được trồng sau khi đậu tương thu hoạch. Ngô vụ hai trồng trồng ngoài khung thời gian lý tưởng sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán và sương giá vào cuối vụ mùa, gây rủi ro cao về sản lượng. Đây có thể là nguyên nhân khiến công ty tư vấn Safras&Mercado đã cắt giảm dự báo sản lượng ngô vụ 2 xuống còn 94,75 triệu tấn, do triển vọng năng suất thấp hơn. Đây là yếu tố có thể nâng đỡ giá ngô trong hôm nay.
Kết thúc tuần giao dịch 25/9-1/10, giá hai mặt hàng cà phê chuyển động theo thông tin cơ bản có phần trái chiều. Giá Arabica nối tiếp đà giảm sang tuần thứ 2 do triển vọng nguồn cung chuyển biến tích cực hơn tại Brazil. Trong khi giá Robusta hợp đồng tháng 11 lại có sự khởi sắc nhờ hoạt động xuất khẩu ảm đạm so với cùng kỳ năm 2022 tại Việt Nam và Indonesia.
Thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), tính đến 29/9, tổng lượng cà phê Brazil xuất đi là 3,24 triệu bao loại 60kg, cao hơn mức 3,13 triệu bao vào cùng kỳ tháng trước. Trong đó, Arabica và mặt hàng đóng góp chủ yếu cho sự gia tăng với 2,34 triệu bao, lớn hơn mức 2,23 triệu bao trong tháng 8.
Việc xuất khẩu cà phê tiếp tục được đẩy mạnh tại Brazil không chỉ thể hiện việc nguồn cung đang sẵn có tại quốc gia này mà còn là động lực giúp thúc đẩy dữ liệu tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE hồi phục. Brazil hiện là quốc gia cung ứng cà phê chính cho đơn vị này.
Trong báo cáo kết phiên ngày 29/9 có 10.011 bao cà phê được vận chuyển từ Brazil đến ICE để chờ phân loại bổ sung vào kho dự trữ đạt chuẩn.
Đà giảm của giá kim loại quý có thể bị chững lại khi đồng USD suy yếu
Thị trường kim loại quý tiếp tục chịu nhiều sức ép trong phiên sáng do áp lực bán mạnh kéo dài từ phiên trước, trong khi tâm lý nhà đầu tư đang trở nên thận trọng trước thềm Mỹ công bố báo cáo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất vào tối nay.
Tuy nhiên, việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tài trợ tạm thời vào cuối ngày 1/10 với sự ủng hộ áp đảo của đảng Dân chủ, nhằm ngăn chặn chính phủ liên bang đóng cửa, đã hạ nhiệt đà tăng của đồng USD, gián tiếp hỗ trợ giá của các mặt hàng kim loại quý.
Ngoài ra, những căng thẳng do lo ngại tình hình đình công tại Mỹ kéo dài đè nặng lên triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đã giảm bớt khi mới đây, khoảng 4.000 công nhân thuộc Liên đoàn United Auto Workers (UAW) đã đạt được thỏa thuận với Mack Trucks thuộc sở hữu của Tập đoàn Volvo. Điều này có thể sẽ khiến cho nhu cầu trú ẩn an toàn đối với đồng USD bị hạn chế, thúc đẩy giá kim loại quý phục hồi.
Tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo PMI sản xuất của Mỹ. Trước đó, theo dữ liệu khảo sát từ S&P Global công bố vào ngày 22/9, hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 9 khi đạt mức 48,9 điểm, cho thấy nhu cầu ảm đạm của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc đình công kéo dài tại các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ cũng có thể gây gián đoạn hoạt động sản xuất. Do vậy, nhiều khả năng dữ liệu PMI tối nay cũng sẽ suy yếu. Đồng USD sẽ gặp áp lực, từ đó củng cố đà phục hồi của giá kim loại quý.
Giá dầu có thể điều chỉnh giảm trước khi cuộc họp của OPEC+ diễn ra
Giá dầu điều chỉnh tăng vào phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh đứng đầu là Nga (OPEC+) diễn ra vào thứ Tư tuần này. Hiện các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng nguồn cung sẽ tiếp tục được duy trì thắt chặt hơn.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã có một cuộc bỏ phiếu vào ngày thứ Bảy vừa rồi với kết quả giúp chặn đứng nguy cơ đóng cửa Chính phủ vào phút chót. Theo đó, Chính phủ Mỹ tiếp tục có ngân sách để hoạt động đến giữa tháng 11, nhưng đạo luật ngân sách tạm thời này không có hạng mục viện trợ cho Ukraine.
Thông tin này tạm thời làm xoa dịu những lo ngại về rủi ro chính phủ Mỹ đóng cửa và có tác động tích cực hơn đến tâm lý thị trường. Khẩu vị rủi ro của thị trường có dấu hiệu trở lại sau thông tin trên.
Tâm điểm tác động đến giá dầu trong tuần này là cuộc họp của OPEC+ vào thứ Tư, một số nguồn tin từ Reuters cho hay OPEC+ có thể sẽ không điều chỉnh sản lượng dầu hiện tại.
Một phần nguyên nhân là do OPEC+ đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu, có thể sẽ cần chờ đợi số liệu PMI sản xuất của Trung Quốc được công bố cuối tuần này để đánh giá lại tình hình sản xuất và dự đoán triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc trước khi thay đổi các chính sách sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang bị đình trệ do sụt giảm tài sản, xuất khẩu giảm và tỷ lệ thất nghiệp cao làm dấy lên các lo ngại về nhu cầu nhiên liệu sẽ yếu hơn.
Một thông tin quan trọng hơn nữa sẽ tác động đến giá dầu trong tháng 10 này là thông báo về triển vọng dầu thế giới của OPEC được công bố tại Riyadh vào ngày 9/10.
Theo đánh giá, hiện tại các thông tin có thể tác động đến giá dầu trong ngày hôm nay không nhiều, với tâm lý thận trọng hơn thị trường đang kỳ vọng giá dầu ổn định đi ngang cho đến khi tin tức chính thức được công bố.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)