Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 02/10/2023-10/10/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra; việc giảm kỳ vọng đối với các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện của Ả rập xê út…các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 02/10 đến 10/10 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 02/10/2023 và kỳ điều hành ngày 11/10/2023 là: 92,040 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 9,454 USD/thùng, tương đương giảm 9,32% so với kỳ trước); 97,021 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9,811 USD/thùng, tương đương giảm 9,18% so với kỳ trước); 113,919 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,896 USD/thùng, tương đương giảm 7,24% so với kỳ trước); 114,460 USD/thùng dầu điêzen (giảm 8,904 USD/thùng, tương đương giảm 7,22% so với kỳ trước); 484,764 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 45,687 USD/tấn, tương đương giảm 8,61% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
1. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
- Trích lập Quỹ BOG: Không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
- Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Tiếp tục không chi sử dụng Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng xăng, dầu madút, ngừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng dầu điêzen (kỳ trước chi 285 đồng/lít) và dầu hỏa (kỳ trước chi 109 đồng/lít).
2. Giá bán xăng dầu
Sau khi thực hiện việc không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 21.907 đồng/lít (giảm 1.595 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.137 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.044 đồng/lít (giảm 1.798 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 22.410 đồng/lít (giảm 1.184 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu hỏa: không cao hơn 22.464 đồng/lít (giảm 1.352 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 16.238 đồng/kg (giảm 1.214 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
3. Thời gian thực hiện
- Không trích lập và không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu: Áp dụng từ 16 giờ 00’ ngày 11 tháng 10 năm 2023.
- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quy định nhưng không muộn hơn 16 giờ 00’ ngày 11 tháng 10 năm 2023.
- Kể từ 16 giờ 00’ ngày 11 tháng 10 năm 2023, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Bộ Công Thương gửi tới các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa thông tin, định hướng dư luận đồng thuận với chủ trương điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nguồn:Cổng TTĐT Bộ Công Thương