Thị trường kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, trong khi nguồn cung bị thắt chặt do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng và hoạt động của các nhà máy lọc dầu của Nga đình trệ.
Thêm vào đó, xu hướng đi lên gần đây của giá dầu cũng diễn ra sau các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga và tin tức rằng công ty năng lượng nhà nước Pemex của Mexico đã yêu cầu đơn vị kinh doanh của mình hủy xuất khẩu tới 436.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 4, khi Pemex chuẩn bị điều chỉnh mức giá mới cho dầu trong nước.
Tuy nhiên giá dầu đã giảm trở lại khi mối lo ngại về xung đột ở Trung Đông dịu xuống và hoạt động kinh doanh ở Mỹ chậm lại, mặc dù lượng tồn kho của Mỹ giảm đã hạn chế đà đi xuống của giá dầu. Ngày 25/4, giá dầu Brent đạt mức 88,01 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 82,77 USD/thùng và xăng RON92 đạt 100 USD/thùng, giá xăng dầu đã giảm trở lại tương đương với mức giá cuối tháng 3/2024.
Nguồn cung
Theo báo cáo của OPEC, sản lượng dầu của 12 quốc gia OPEC trong tháng 3/2024 tăng 3 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 26,60 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu tăng chủ yếu tại Iran, Saudi Arabia và Kuwai, trong khi sản lượng giảm tại Nigeria, Iraq và Venezuela.
Trong năm 2023, nguồn cung dầu của OPEC đạt 27,009 triệu thùng/ngày, giảm 716 nghìn thùng/ngày so với năm 2022.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Nguồn cung dầu năm 2024 của khu vực ngoài OPEC dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm 2023, điều chỉnh giảm so với báo cáo tháng trước, đạt 70,4 triệu thùng/ngày. Những nước tăng trưởng sản lượng dự kiến ở Canada, Mỹ, Brazil và Na Uy.
Mỹ: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 6,4 triệu thùng, xuống 453,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/4.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Mỹ hạ nhiệt trong tháng 4/2024, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. S&P Global ngày 23/4 cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 50,9 trong tháng 4/2024, từ mức 52,1 của tháng 3/2024.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong năm 2024, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó kích thích nhu cầu về dầu.
Trung Quốc: Năm 2023, Trung Quốc sản xuất hơn 390 triệu tấn dầu và khí đốt, trong đó có 208 triệu tấn dầu thô, khoảng 4,18 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc gia.
Trong năm 2024, sản lượng dầu thô của Trung Quốc dự kiến đạt trung bình 4,6 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong những tháng mùa Hè và giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng tương đối mạnh của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2024.
Cụ thể, vào mùa Hè - thời điểm mọi người đi lại nhiều hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao, OPEC cho rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay, dầu hỏa toàn cầu sẽ tăng 600.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, xăng tăng 400.000 thùng/ngày và dầu diesel tăng 200.000 thùng/ngày.
Theo OPEC, tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ thêm cho giá dầu vốn đã tăng lên trên 90 USD/thùng trong năm nay do nguồn cung hạn chế và xung đột leo thang tại Trung Đông.
OPEC và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì cắt giảm sản lượng dầu mỏ cho đến cuối tháng 6/2024.
Dự kiến, OPEC+ trong tháng 6/2024 cũng sẽ nhóm họp để quyết định liệu có nên tiếp tục cắt giảm sản lượng nữa hay trả lại một lượng nguồn cung cho thị trường.
Báo cáo của OPEC nêu rõ triển vọng nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh trong những tháng mùa Hè đòi hỏi phải theo dõi thị trường cẩn thận, trong bối cảnh những bất ổn đang diễn ra, để đảm bảo thị trường cân bằng, lành mạnh và bền vững.
OPEC dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,8% trong năm 2024, không đổi so với tháng trước, và cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu theo mùa Hè như thường lệ.
Theo OPEC, tăng trưởng nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2024 tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, lên trung bình 104,4 triệu thùng/ngày, với mức tăng trưởng của OECD khoảng 0,25 triệu thùng/ngày và các nước không thuộc OECD khoảng 2,0 triệu thùng/ngày.
Nhập khẩu dầu thô của châu Á tăng mạnh
Khu vực nhập khẩu hàng đầu thế giới được dự báo đạt 27,48 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2024, tăng từ 26,7 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2024 và 27,18 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024, theo dữ liệu do LSEG Oil Research tổng hợp.
Trung Quốc: Sự phục hồi nhập khẩu đang được thúc đẩy bởi Trung Quốc, nước mua dầu thô lớn nhất thế giới, dự báo sẽ đạt 11,75 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2024, tăng so với 11,16 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2024 và 10,44 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024. Nhập khẩu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi các nhà máy lọc dầu có khả năng tăng sản lượng để tăng lượng tồn kho nhiên liệu trước mùa bảo trì thường kéo dài từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6. Theo dữ liệu của LSEG, có tới 800.000 thùng/ngày công suất lọc dầu có thể sẽ ngừng hoạt động vào một thời điểm nào đó trong thời gian này.
Việc nhập khẩu dầu thô mạnh của Trung Quốc trong quý đầu tiên sẽ được đảm bảo vào thời điểm giá dầu toàn cầu thấp. Hàng hóa nhập trong quý I/2024 phần lớn đã được mua vào quý 4 năm trước.
Có thể các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể giảm bớt nhập khẩu do giá cao hơn, hướng tới lượng tồn kho dồi dào mà họ tiếp tục bổ sung trong hai tháng đầu năm 2024. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc cũng tiếp tục mua dầu thô của Nga, với lượng vận chuyển bằng đường biển và đường ống dự kiến đạt 2,44 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2024, tăng từ 2,19 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó. Nhập khẩu từ Saudi Arabia vẫn ổn định ở mức 1,60 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2024.
Tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong xu hướng tăng. Công suất lọc dầu của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mở rộng mới, với dự kiến 85 triệu tấn sẽ được bổ sung từ năm 2024 đến năm 2027. Dự báo này được đưa ra trong lễ ra mắt Sách Xanh về Phát triển Công nghiệp Phân phối Dầu khí Trung Quốc, do nhà cung cấp dịch vụ thông tin hàng hóa JLC Network Technology Co Ltd và China Petroleum Circulation Association (CPCA) phối hợp tổ chức.
Tổng thư ký Ủy ban chuyên gia của CPCA, Sun Renjin cho biết: “Việc công suất lọc dầu không ngừng mở rộng khiến sản lượng dầu thành phẩm cũng sẽ tiếp tục tăng". Nhận xét này được đưa ra dựa trên sản lượng dầu thành phẩm tăng nhanh chóng trong năm 2023, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước đó lên 428,358 triệu tấn.
Tiêu thụ dầu thành phẩm cũng đang trên đà tăng nhanh và quay trở lại mức của năm 2019 nhờ sự phục hồi kinh tế. Các ngành vận tải, kho bãi và bưu chính là động lực chính khiến mức tiêu thụ dầu tăng, chiếm 62,5% tổng lượng tiêu thụ dầu thành phẩm, chuyên gia Sun cho biết.
Mức tiêu thụ dầu từ xe sử dụng nhiên liệu truyền thống có thể giảm trong bối cảnh ngành sản xuất xe sử dụng năng lượng mới phát triển nhanh chóng. Với sự phục hồi của ngành hàng không trong nước và quốc tế, nhu cầu nhiên liệu cho máy bay sẽ tiếp tục tăng và tốc độ tăng trưởng sẽ trở lại bình thường.
Dữ liệu từ Goldman cho thấy xuất khẩu dầu thô của Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm nay. Mức xuất khẩu trung bình hàng ngày trong giai đoạn này là 1,56 triệu thùng, hầu hết trong số đó được xuất sang Trung Quốc, mang về cho Tehran nguồn thu khoảng 35 tỷ USD.
Ấn Độ: Nhu cầu cũng đang tăng mạnh hơn, với nhập khẩu dự kiến đạt 4,93 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2024, tăng từ mức 4,55 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2024 và ngang bằng với 5,06 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024. Ấn Độ cũng tiếp tục duy trì nhập khẩu dầu thô của Nga tăng, với lượng nhập khẩu ước tính là 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2024, mức cao nhất trong 8 tháng và tăng so với 1,36 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2024.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn giữ nguyên dự báo, nhu cầu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng nhiều hơn dự kiến do triển vọng kinh tế Mỹ tươi sáng hơn và nhu ầu nhiên liệu tăng do các tàu chở hàng phải đi đường vòng tránh qua Biển Đỏ.
IEA dự báo nhu cầu dầu trên thế giới sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 110.000 thùng/ngày so với mức dự báo trong báo cáo thị trường tháng trước. Các tàu thương mại đang phải thực hiện những hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh mũi phía nam châu Phi để tránh các cuộc tấn công tại Biển Đỏ của lực lượng Houthi ở Yemen.
IEA nhận định tình trạng gián đoạn các tuyến vận tải thương mại quốc tế do khủng hoảng ở Biển Đỏ đang làm tăng quãng đường vận chuyển cũng như tốc độ di chuyển của tàu, khiến nhu cầu nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, theo IEA, việc nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Tiêu thụ dầu tại Mỹ đang trên đà đi lên nhờ gia tăng các hoạt động hóa dầu.
Theo dự báo, tổng nhu cầu dầu sẽ tăng từ 101,8 triệu thùng/ngày năm 2023 lên 103,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo của OPEC: Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay, với nhận định đà tăng trưởng khởi sắc hơn của các nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ.
Báo cáo mới nhất của OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ghi nhận 2,2 triệu thùng/ngày và 1,8 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với các mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.
Theo đánh giá của OPEC, Mỹ, Ấn Độ và Brazil ở một chừng mực nhất định, đã có đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, trong khi các nền kinh tế Trung Quốc và Nga đều tăng trưởng ổn định vào khoảng thời gian cuối năm ngoái, còn kinh tế của Eurozone và Nhật Bản lại ghi nhận sự suy giảm.
Tuy nhiên, OPEC đã chỉ ra một số dấu hiệu báo trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế tiềm tàng ở cả Eurozone và Nhật Bản, cho thấy một xu hướng tăng trưởng khởi sắc sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 1/2024. OPEC dự báo sản lượng dầu thô năm 2024 của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 120.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra tháng trước, chủ yếu do các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện trong quý II/2024 được gia hạn.
Trong tháng Ba, một số thành viên của liên minh giữa OPEC và các nhà sản ngoài khối, còn gọi là OPEC+, gồm Saudi Arabia, UAE và Kuwait, đã thông báo gia hạn các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tổng ộng 2,2 triệu thùng/ngày như một phần trong nỗ lực hỗ trợ sự cân bằng.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy tồn kho xăng Mỹ giảm ít hơn dự báo trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất tăng so với dự đoán giảm, phản ánh dấu hiệu nhu cầu chậm lại.
Nhu cầu nhiên liệu giảm đang xảy ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 4 và dữ liệu việc làm và lạm phát mạnh hơn dự kiến có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có nhiều khả năng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất dự kiến, gây áp lực lên tâm lý kinh tế.
Giá dầu trong quý II/2024 sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố bao gồm cắt giảm nguồn cung của nhà sản xuất lớn, dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc và Eurozone.
Nguồn:Vinanet/Reuters/OPEC