menu search
Đóng menu
Đóng

Giá xăng dầu thế giới tháng 7/2023 tăng mạnh

10:01 31/07/2023

Thị trường xăng dầu thế giới tháng 7/2023 biến động mạnh, giá tăng dần từ đầu tháng.
 -Giá xăng dầu thế giới tháng 7/2023 tăng mạnh.
- Cung: Theo số liệu của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 6/2023 tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,2 thùng/ngày.
- Theo OPEC, nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2023 tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày so với năm 2022, lên trung bình 102 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC năm 2023 tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt 67,1 triệu thùng/ngày.
Thị trường xăng dầu thế giới tháng 7/2023 biến động mạnh, giá tăng dần từ đầu tháng. Với mức tăng mạnh khoảng 2% vào ngày 24/7, dầu Brent đạt mức 82,74 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) đạt 78,86 USD/thùng, giá dầu Brent hiện đang ở ngưỡng cao nhất kể từ ngày 19/4 và giá dầu WTI lập đỉnh kể từ ngày 24/4. So với cuối tháng 6/2023, giá dầu Brent, dầu WTI và xăng RON 92 tăng khoảng 12-14%.
Những yếu tố tác động giá dầu tăng:
Do nguồn cung dự kiến sẽ thắt chặt thêm sau thỏa thuận cắt giảm của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cả hai loại dầu chủ chốt đều đã tăng giá bốn tuần liên tiếp.
Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn trữ dầu thô đã giảm trong bối cảnh xuất khẩu dầu thô tăng vọt và nhà máy lọc dầu tăng sản lượng. Ngày 17/7, EIA đã dự báo sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ có khả năng giảm lần đầu tiên trong tháng 8/2023, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong những nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới, các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước. Cam kết này báo hiệu một loạt các biện pháp kích thích sẽ sớm được Bắc Kinh ban hành.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng của Mỹ đã ngừng hoạt động 7 giàn khoan dầu, mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu tháng 6/2023. Số lượng giàn khoan đang hoạt động là 530 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo về sản lượng trong tương lai.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 6/2023 tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,2 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 6/2023 tăng 91 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,19 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Iran và Iraq, trong khi sản lượng tại Angola giảm.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 6/2023 tăng 0,5 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73 triệu thùng/ngày, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2022 tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt mức trung bình 19 triệu thùng/ngày, tăng 44 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ dự kiến tăng 0,6 triệu thùng/ngày, đạt mức 11,8 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,8 triệu thùng/ngày đạt 12,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 5/2023 giảm 49 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,9 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,6 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,3 triệu thùng/ngày khí NGL).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong tháng 6/2023 đã giảm tới 600.000 thùng/ngày và xuống còn 7,3 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Ngoài ra, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 6/2023 đã giảm 1,5 tỷ USD xuống còn 11,8 tỷ USD, chỉ tương đương một nửa doanh thu nhận được cùng kỳ một năm trước đó.
IEA dự báo rằng Nga có thể giữ sản lượng ở mức cũ trong tháng 8/2023, bao gồm kế hoạch giảm xuất khẩu 500.000 thùng mỗi ngày như đã công bố. Điều này là do sự gia tăng theo mùa của nhu cầu về dầu tại thị trường trong nước.
Từ tháng 3/2023 đến hết năm 2024, Nga sẽ giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày so với mức trung bình của tháng 2/2023.
Năm 2022 sản lượng dầu mỏ tăng thêm 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt mức trung bình 11 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với báo cáo tháng trước. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,75 triệu thùng/ngày xuống mức 10,3 triệu thùng/ngày, mức tăng trưởng hàng năm không thay đổi so với báo cáo tháng trước.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 5/2023 giảm 36 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức 2,0 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 5/2023 giảm 32 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ không thay đổi so với tháng trước, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ giảm 140 nghìn thùng/ngày đạt trung bình 1,9 triệu thùng/ngày, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản lượng trong quý IV/2022 giảm. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt 2,1 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 5/2023 tăng 60 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,2 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 5/2023 tăng 72 nghìn thùng/ngày, đạt 3,9 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,1 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới. Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,0 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 5/2023 tăng 52 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 5/2023 tăng 52 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,3 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày, tăng 151 nghìn thùng/ngày so với năm trước đó. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,5 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đợt đầu tiên của năm 2023 đối với các sản phẩm dầu tinh chế lên 18,99 triệu tấn, tăng 46% so với 13 triệu tấn một năm trước đó. Diễn ra sau đợt phát hành lớn 13,25 triệu tấn vào tháng 9, khi chính phủ tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 5/2023 giảm 215 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,3 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 5/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, tăng 13 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2022 tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 5,6 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng gia tăng chủ yếu đến từ mỏ cát dầu của tỉnh Alberta, nơi có mức sản lượng trung bình 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2022 đạt 65,7 triệu thùng/ngày, tăng 1,9 triệu thùng/ngày so với năm 2021. Dự báo năm 2023 tăng khoảng 1,41 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt trung bình 67,14 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nga, trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Na Uy và Thái Lan.
Dự báo giá dầu của một số tổ chức quốc tế:
EIA nhận định giá dầu sẽ ổn định, với dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng trong năm 2023. Diễn biến giá dầu trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu.
Các nhà phân tích từ Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết, mặc dù một đợt tăng lãi suất khác của Fed có thể gây ra một số biến động giá ngắn hạn, nhưng các điều kiện thị trường dự báo thắt chặt do việc cắt giảm nguồn cung của OPEC và những đồn đoán ngày càng tăng của thị trường về các biện pháp kích thích hơn nữa ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy giá cao hơn trong quý III/2023.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Tại Khu vực đồng euro (Eurozone), hoạt động kinh doanh trong tháng 7/2023 giảm nhiều hơn dự kiến, do nhu cầu trong ngành dịch vụ - chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tăng trưởng - và sản lượng của các nhà máy đi xuống với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Tại Mỹ, hoạt động kinh doanh đã rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 7/2023, kéo theo sự giảm tốc của tăng trưởng ngành dịch vụ. Tuy nhiên, giá đầu vào giảm và xu hướng tuyển dụng chậm hơn cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đạt được một số tiến bộ quan trọng, trong nỗ lực giảm lạm phát.
Các nhà đầu tư đã đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Lãi suất tăng đã làm giảm đầu tư và củng cố đồng bạc xanh, khiến hàng hóa định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các bên tham gia thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kích thích có mục tiêu để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu. Động thái này có khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ ở một trong những nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này.

Nguồn:VITIC/Reuter