menu search
Đóng menu
Đóng

Giá xăng dầu thế giới tháng 9/2023 tăng mạnh

10:41 29/09/2023

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất 10 tháng vào ngày 18/9, khi những dự báo về thâm hụt nguồn cung lấn át lo ngại về nhu cầu năng lượng suy giảm.
Dầu tiến sát ngưỡng 95 USD/thùng, giá dầu Brent lên 94,43 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) lên 91,48 USD/thùng và xăng RON92 đạt 98,81 USD/thùng. Tính chung trong tháng 9/2023 giá dầu Brent, dầu thô WTI và xăng RON 92 tăng khoảng 9%.
Những yếu tố tác động giá dầu tăng:
Giá dầu tăng do dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trong quý IV/2023 sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung bổ sung đến cuối năm.
Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel nhằm ổn định thị trường nội địa, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung sản phẩm thấp, đặc biệt là dầu sưởi khi Bắc Bán cầu bước vào mùa Đông.
Báo cáo hàng tuần từ Baker Hughes cho thấy tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm 8 giàn xuống còn 507 giàn trong tuần, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc đã tăng 300.000 thùng/ngày lên 16,3 triệu thùng/ngày trong tuần, một phần do nhu cầu nhiên liệu máy bay cho các chuyến bay quốc tế phục hồi dần.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 8/2023 không đổi so với tháng trước, đạt trung bình 100,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 8/2023 tăng 113 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,45 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Iran, Iraq và Negeria, trong khi sản lượng giảm tại Saudi Arabia, Angola và Venezuela.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 8/2023 giảm 0,1 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73,3 triệu thùng/ngày, tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2023 dự báo tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt mức trung bình 20,5 triệu thùng/ngày, tăng 63 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,7 triệu thùng/ngày, đạt 8,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 7/2023 giảm 30 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,5 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,2 triệu thùng/ngày khí NGL).
Không chỉ hạn chế sản lượng, Nga cũng cam kết giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 và sẽ giảm xuống 300.000 thùng/ngày vào tháng 9/2023.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,6 triệu thùng/ngày xuống mức 10,5 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 70 nghìn thùng/ngày so với báo cáo tháng trước.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 7/2023 tăng 20 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt mức 2,0 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 7/2023 tăng 10 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 10 nghìn thùng/ngày, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt 2,1 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 7/2023 tăng 146 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,5 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 7/2023 tăng 149 nghìn thùng/ngày, đạt 4,3 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,3 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 4,0 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 40 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 7/2023 giảm 187 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 7/2023 giảm 187 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,1 triệu thùng/ngày. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ ở mức trung bình 4,6 triệu thùng/ngày.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 7/2023 tăng 737 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 7/2023 đạt 1,3 triệu thùng/ngày, giảm 12 nghìn thùng/ngày so với tháng trước.
Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 50 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,7 triệu thùng/ngày, giảm 25 nghìn thùng/ngày so với báo cáo trước.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2023 dự kiến đạt 67,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Nauy và Trung Quốc trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Nga.
Nhu cầu
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu trong tháng 7/2023, tăng gần 2,0 triệu thùng/ngày, tăng tháng thứ ba liên tiếp. Tăng trưởng nhu cầu dầu chủ yếu được thúc đẩy bởi nhiên liệu vận tải, sự phục hồi liên tục trong du lịch trong ngành du lịch hàng không.
Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/9 cho thấy, số lô hàng giao dầu thô từ Nga sang Trung Quốc đã tăng 25% trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, theo số liệu này, xuất khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 lên tới 71,2 triệu tấn, trong bối cảnh Bắc Kinh tận dụng được ưu đãi giảm giá và tăng tốc dự trữ dầu thô Nga. Tuy nhiên, xét về giá trị, nhập khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc đứng ở mức 38,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
So sánh giữa các nước, Nga một lần nữa vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Saudi Arabia xuất khẩu sang Trung Quốc 60,1 triệu tấn dầu trị giá 36,49 tỷ USD. Đứng thứ ba là Iraq, cung cấp 40,3 triệu tấn dầu trị giá 23,04 tỷ USD.
Năm 2022, Trung Quốc tăng mua dầu của Nga thêm 8,2% lên 86,2 triệu tấn.
Trung Quốc mua thêm dầu của Nga sau khi nhiều nước phương Tây dần tách khỏi nguồn dầu này vì các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Sau lệnh cấm vận của G7 và việc áp trần giá dầu của Nga năm ngoái, Moskva cũng tích cực chuyển hướng dòng dầu của mình sang châu Á.
Lượng dầu thô dự trữ của Trung Quốc đã tăng dần lên mức cao kỷ lục trong năm nay, vì các công ty lọc dầu giảm mua dầu sau khi giá dầu tăng lên trên 80 USD/thùng dưới tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng 83 nghìn thùng/ngày tháng 7/2023 so với năm trước đó. Trong hơn một năm qua, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã phát triển mạnh, thúc đẩy nhu cầu xăng. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm. Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ vẫn ở mức cao, đạt 57,7 điểm trong tháng 7/2023 so với 57,8 điểm trong tháng 6/2023.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 6/2023, giảm 185 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ 10 giảm liên tiếp. Khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Nhu cầu sản phẩm dầu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu xu hướng giảm trong hơn năm, do ảnh hưởng bởi hoạt động yếu của khu vực công nghiệp và lạm phát cao.
Trong quý IV/2023, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được hỗ trợ bởi nhiên liệu máy bay.
Nhìn chung, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo IEA đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới lên mức 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, đồng thời cho biết, nhu cầu này sẽ được hỗ trợ bởi các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn ở các nước đang phát triển.
Dự báo của OPEC: Nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,4 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 102 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo tháng trước.
Tại khu vực OECD, nhu cầu dầu mỏ dự báo trong năm 2023 sẽ tăng 0,1 nghìn thùng/ngày đạt 46,1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu của châu Mỹ dự đoán sẽ có mức tăng lớn nhất trong khu vực, dẫn đầu là Mỹ do phục hồi nhu cầu về nhiên liệu máy bay và nhu cầu xăng dầu.
Ở khu vực không thuộc OECD, tổng nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày đạt 55,9 triệu thùng/ngày, vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch năm 2019 gần 3,4 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải tăng trưởng ổn định, được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong hoạt động của Trung Quốc và các khu vực ngoài OECD khác.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu. Nhu cầu dầu thế giới 2024 dự đoán sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, đạt 104,3 triệu thùng/ngày.
Dự báo giá dầu của một số tổ chức quốc tế:
Theo nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada tại công ty tài chính City Index và trang FOREX.com, giá dầu Brent đã chạm mức 95 USD/thùng và có thể hướng đến mức 100 USD/thùng nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước liên minh tiếp tục thắt chặt nguồn cung.
Nhiều nhà phân tích nhận định giá dầu thô tại thị trường Mỹ và các thị trường quốc tế sẽ tăng lên đến hoặc vượt mức 100 USD/thùng, mức vẫn chưa đạt tới kể từ năm ngoái.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Nga quyết định cấm tạm thời xuất dầu dầu diesel và xăng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong thời điểm thu hoạch lúa mỳ. Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu diesel và xăng bằng đường biển lớn nhất thế giới. Lệnh cấm được thực hiện sau khi lượng xuất khẩu giảm vào đầu tháng này, kéo giá dầu diesel tại châu Âu tăng.
Theo nhà kinh tế về hàng hóa tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, Edward Gardner, lệnh cấm có thể được duy trì trong ít nhất là một tháng cho đến khi vụ thu hoạch kết thúc.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu thế giới đang đà sụt giảm. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, dự trữ dầu của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 3 tháng liên tiếp, và thấp hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. 19 thành viên OPEC+ có hạn ngạch cũng đã chứng kiến sản lượng chung giảm 130.000 thùng/ngày trong tháng 8, với mức giảm lớn nhất trong số các thành viên OPEC đến từ Saudi Arabia và mức giảm lớn nhất từ các thành viên ngoài OPEC là Kazakhstan.
Trái lại với xu hướng thu hẹp của nguồn cung dầu, OPEC ước tính nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng lên mức kỷ lục hơn 103,21 triệu thùng trong quý IV năm nay. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày, lên 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc cán cân cung cầu của thị trường càng có nguy cơ mất cân bằng sau đợt cắt giảm của Saudi Arabia và Nga mới đây.

Nguồn:VITIC/Reuter