Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu của châu Á - khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - đang chậm lại, thể hiện qua lượng nhập khẩu dầu giảm trong quý I/2025.
Theo dữ liệu từ LSEG Oil Research, Châu Á đã nhập khẩu trung bình 26,44 triệu thùng/ngày trong quý I/2025, giảm 640.000 thùng/ngày so với 27,08 triệu thùng/ngày của quý I/2024.
Sự sụt giảm này trái ngược với các dự báo từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vốn cho rằng Châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025.
Nếu có một điểm sáng trong bức tranh nhập khẩu yếu của Châu Á, thì đó là dấu hiệu hồi phục trong tháng 3/2025. Theo LSEG, lượng dầu nhập khẩu tại khu vực này đạt 27,39 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2025, tăng từ 25,44 triệu thùng/ngày của tháng 2/2025 và gần tương đương mức 27,33 triệu thùng/ngày của tháng 3/2024.
Sự hồi phục này chủ yếu nhờ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, với lượng dầu đường biển đạt 10,14 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong 3 tháng. Tổng lượng nhập khẩu, bao gồm cả dầu qua đường ống, lên tới 11,04 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trung bình của hai tháng đầu năm là 10,42 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn thấp hơn so với 11,6 triệu thùng/ngày của tháng 3/2024.
Điều đáng quan tâm là vì sao Trung Quốc và cả khu vực Châu Á lại tăng nhập khẩu trong tháng 3/2025 so với hai tháng đầu năm. Một phần lý do là các nhà máy lọc dầu đã hoàn tất bảo trì định kỳ và bắt đầu tích trữ hàng tồn kho, chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cao điểm khi mùa đông ở Bắc bán cầu kết thúc.
Nhưng giá cả có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Các lô hàng nhập về trong tháng 3/2025 chủ yếu được đặt mua khi giá dầu toàn cầu đang có xu hướng giảm. Giá dầu Brent từng đạt đỉnh 82,63 USD/thùng vào ngày 15/1, sau đó giảm xuống mức 68,33 USD/thùng vào ngày 5/3.
Xu hướng giá giảm này khiến các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh mua vào, đặc biệt là ở Trung Quốc - nơi có dấu hiệu rút bớt dầu từ kho dự trữ trong hai tháng đầu năm. Theo tính toán từ dữ liệu chính thức, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã chế biến nhiều hơn khoảng 30.000 thùng/ngày so với tổng lượng dầu thô sẵn có, cho thấy họ đang tiêu thụ dầu từ kho dự trữ.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, uớc tính cho thấy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc xử lý nhiều hơn khoảng 30.000 thùng/ngày so với lượng dầu có sẵn từ nhập khẩu và sản xuất trong nước, theo tính toán dựa trên dữ liệu chính thức. Điều này cho thấy họ đã khai thác kho dự trữ trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, xu hướng này dường như đã đảo chiều trong tháng 3/2025, khi giá rẻ thúc đẩy các doanh nghiệp quay lại mua vào.
Vấn đề đặt ra cho thị trường dầu là liệu xu hướng nhập khẩu mạnh trong tháng 3/2025 ở Châu Á có tiếp diễn không, nhất là khi giá dầu đã bật tăng trở lại từ đáy đầu tháng 3 cho đến ngày 2/4 — thời điểm Tổng thống Donald Trump phát động “cuộc chiến thuế quan toàn cầu”.
Dầu Brent đã phục hồi lên 75,47 USD/thùng vào ngày 2/4, nhưng ngay cả khi các doanh nghiệp châu Á có giảm mua, thì tác động này sẽ chỉ thể hiện trong số liệu nhập khẩu tháng 5/2025 và 6/2025.
Câu hỏi tiếp theo là liệu đợt lao dốc giá dầu từ tuần trước có đủ mạnh để kích thích nhu cầu nhập khẩu của Châu Á từ tháng 6/2025 trở đi hay không. Vào sáng thứ Hai (7/4) tại thị trường Châu Á, dầu Brent đã giảm xuống mức 63,01 USD/thùng — thấp nhất trong hơn bốn năm — và giảm tới 16,5% so với mức đỉnh thiết lập trước khi ông Trump công bố áp thuế trên hầu hết các quốc gia (ngoại trừ Nga).
Ngoài ra, quyết định của liên minh OPEC+ về việc tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 5/2025 cũng góp phần đẩy giá dầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thị trường lo ngại là tác động tiêu cực của các mức thuế đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Điều này có nghĩa là, ngay cả khi giá dầu giảm mạnh, cũng chưa chắc sẽ đủ để thúc đẩy nhu cầu mua vào tại Châu Á trong những tháng tới.

Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters