Dữ liệu chính thức cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận sản lượng điện tháng 9/2024 là 802,4 tỷ kilowatt-giờ (kWh), tăng 6,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng sản lượng nhiệt, chủ yếu là nhiệt điện than, chỉ có một lượng nhỏ khí đốt tự nhiên, đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 545,1 tỷ kWh.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng sản lượng điện đốt than là do thủy điện giảm, giảm 14,6% xuống còn 119,9 tỷ kWh.
Sự sụt giảm nghiêm trọng của thủy điện diễn ra sau đợt tăng mạnh nguồn điện không phát thải, vốn cho thấy mức tăng trưởng 10,7% vào tháng 8/2024 và 36,2% vào tháng 7/2024 khi trữ lượng nước phục hồi sau thời kỳ khô hạn.
Ngay cả việc triển khai nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo cũng không đủ để cắt giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào than.
Trong chín tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã bổ sung thêm 161 gigawatt công suất điện mặt trời mới và 39,12 GW điện gió, tăng lần lượt 25% và 17% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, công suất nhiệt mới là 33,43 GW, giảm 15% so với chín tháng đầu năm 2023.
Một yếu tố đáng chú ý khác là lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, tăng 8,5% lên 847,5 tỷ kWh trong tháng 9/2024. Nhu cầu tăng 7,9% lên 7,4 nghìn tỷ kWh trong chín tháng đầu năm.
Mức tiêu thụ điện của Trung Quốc đang tăng với tốc độ vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế, với GDP tăng 4,6% trong quý 3 và tăng 4,8% trong chín tháng đầu năm.
Đây là sự thay đổi so với hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khi tăng trưởng kinh tế vượt xa sản xuất điện.
Các yếu tố thúc đẩy nhu cầu điện bao gồm sự gia tăng số lượng xe điện (hiện chiếm gần một nửa doanh số bán ô tô mới), việc sử dụng máy điều hòa không khí và các thiết bị khác ngày càng được tầng lớp trung lưu ưa chuộng, chẳng hạn như máy rửa chén.
Nhập khẩu tăng mạnh
Việc sử dụng điện ngày càng tăng và sự phụ thuộc vào năng lượng đốt than cũng đang khiến Trung Quốc nhập khẩu nhiều loại nhiên liệu này.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới, ước tính nhập khẩu 33,67 triệu tấn than nhiệt từ thị trường vận chuyển đường biển vào tháng 10/2024, dữ liệu do các nhà phân tích hàng hóa Kpler tổng hợp cho thấy.
Đây là tổng lượng than nhiệt hàng tháng cao nhất trong hồ sơ của Kpler kể từ năm 2017 và tăng so với mức 28,08 triệu tấn được ghi nhận vào tháng 9/2024.
Nhập khẩu than nhiệt tăng vọt trong tháng 10/2024, loại than được sử dụng chủ yếu để sản xuất điện, phần lớn được đáp ứng bởi sự gia tăng nguồn cung từ Indonesia, nước xuất khẩu loại than này lớn nhất thế giới.
Lượng than nhiệt nhập khẩu từ Indonesia của Trung Quốc dự kiến đạt 23,49 triệu tấn vào tháng 10/2024, tăng so với mức 18,83 triệu tấn vào tháng 9/2024.
Nhà cung cấp than nhiệt vận chuyển đường biển lớn thứ hai cho Trung Quốc là Úc và Kpler ước tính lượng nhập khẩu trong tháng 10/2024 là 5,69 triệu tấn, tăng so với mức 5,10 triệu tấn của tháng 9/2024 và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2024.
Theo đánh giá của cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus, nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đã khiến giá than nhiệt vận chuyển bằng đường biển tăng lên. Trong đó giá than loại 4.200 kilocalories/kg (kcal/kg) của Indonesia đạt mức 52,22 USD/tấn trong tuần tính đến ngày 18/10. Giá này giảm nhẹ so với mức 52,34 USD/tấn của tuần trước đó, nhưng tăng so với mức thấp nhất trong 42 tháng là 50,08 USD/tấn đạt được vào cuối tháng 8/2024.
Loại than nhiệt chính mà Trung Quốc nhập khẩu từ Úc, Newcastle 5.500 kcal/kg, được định giá ở mức 90,28 USD/tấn trong tuần tính đến ngày 18/10, giảm nhẹ so với mức cao nhất trong bốn tháng là 90,97 USD/tấn vào tuần trước đó, nhưng cao hơn mức thấp gần đây là 86,41 USD/tấn vào cuối tháng 8/2024.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters