Từ đầu tháng 11 tới nay, giá dầu thô thế giới biến động tương đối mạnh. Đà tăng 1 chiều trong tháng 10 đã không còn, khi các bất ổn gia tăng trên thị trường khiến cho giá Brent có lúc bị đẩy xuống dưới vùng 80 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng giá dầu duy trì ở mức cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất. Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhận định điều này sẽ tạo ra nguy cơ giảm tiêu thụ xăng dầu. Dù vậy, trên thị trường vẫn có ý kiến cho rằng nền kinh tế thế giới hiện đủ mạnh để vượt qua các khó khăn hiện tại, đặc biệt khi các quốc gia vẫn đang duy trì các chính sách hỗ trợ.
Tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký gói chi cơ sở vật chất trị giá 1.200 tỷ USD, với kỳ vọng sẽ trở thành động lực để các hoạt động kinh tế tiếp tục tăng tốc. Trong khi đó, các ngân hàng Trung ương vẫn đang duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, xen kẽ giữa các phiên giảm, vẫn có các phiên giá dầu bật tăng trở lại lên mức 84 USD/thùng. Thị trường rơi vào thế giằng co, khi các động lực trái chiều khiến việc xác định xu hướng giá trở nên khó khăn.
Đóng cửa ngày 16/11/2021, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX giảm 0,15% xuống còn 80,76 USD/thùng và giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1 trên sở ICE tăng 0,46% lên 82,43 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm tăng 1% lên 3.718 điểm. Giá trị giao dịch nhóm Năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt hơn 1.100 đồng.
Một tuần sau khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC phát hành báo cáo tháng 11, ngày hôm qua Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng đã công bố nhận định mới nhất của mình về triển vọng cân bằng cung – cầu thị trường dầu thô thế giới. Cũng giống như EIA và OPEC, IEA cho rằng thị trường sẽ chuyển từ trạng thái thiếu hụt sang dư thừa nguồn cung vào đầu năm sau.
Nguyên nhân chính theo IEA, chính là giá dầu duy trì ở mức cao sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng sản lượng để tranh thủ lợi nhuận. Khi mà các công ty dầu khí quốc gia (NOCs) tại Trung Đông vẫn sẽ hạn chế sản lượng ít nhất cho đến tháng 8 năm sau theo thoả thuận chung của OPEC+, các doanh nghiệp đại chúng có thể hưởng lợi bằng cách thúc đẩy sản xuất và gia tăng thị phần, đặc biệt là các công ty dầu đá phiến tại Mỹ.
Với vùng giá 80 USD/thùng hiện tại, hầu như mọi giếng dầu đi vào hoạt động đều sẽ tạo mức lợi nhuận tốt. Nhận định này cũng tương đồng với ý kiến của EIA, đó là, sản lượng dầu tại Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10 sau khi khắc phục được tổn thất từ các cơn bão mùa hè, và sẽ dần quay trở lại mức 12,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu đang đối mặt với nhiều sức ép, bao gồm, các thông tin về dịch COVID-19 tưởng chừng như đang dần biến mất một lần nữa lại thành tiêu điểm trên các phương tiện truyền thông. Việc các quốc gia châu Âu một lần nữa đối mặt với nguy cơ đóng cửa không chỉ làm giảm nhu cầu đi lại, các biện pháp phong toả sẽ khiến cho hoạt động sản xuất giảm sút.
Với vai trò là khu vực xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, sự suy yếu tại khu vực này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, và gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. Với các áp lực trên, không khó để thấy tại sao cả EIA và IEA đều cho rằng giá dầu sẽ đi xuống trong cuối năm.
Các yếu tố bất ngờ vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới
Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm vẫn còn có các yếu tố bất ngờ có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Yếu tố quan trọng nhất hiện tại chính là khả năng mùa đông lạnh thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm và khiến mức tiêu thụ các nhiên liệu hoá thạch từ khí tự nhiên cho đến dầu thô gia tăng.
Hiện tồn kho các mặt hàng này đều đang ở mức thấp, với tồn kho dầu của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế OECD hiện đang ở mức 2.780 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2015, trong khi tồn kho khí tự nhiên tại châu Âu đang ở gần mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Theo dự báo của ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America, mùa đông lạnh có thể khiến cho nhu cầu dầu tăng từ 0,9 - 2 triệu thùng/ngày, khiến cho thặng dư đạt được từ gia tăng sản xuất dầu biến mất. Theo kịch bản này, giá dầu hoàn toàn có thể đi lên vùng 90 - 100 USD/thùng, do các nước phải cạnh tranh nhau để đảm bảo nguồn cung.
Một yếu tố khác cần phải kể đến đấy chính là khả năng gia tăng sản lượng của OPEC+ liên tục không đạt hạn ngạch, do các khó khăn trong việc sản xuất do thiếu đầu tư của các thành viên như Angola và Nigeria. Mùa đông lạnh cũng có thể gây hiện tượng đóng băng tại các bể khai thác dầu khí tại phía Tây Siberia, làm giảm sản lượng của Nga, quốc gia sản xuất dầu hàng đầu OPEC+.
Mặc dù các tổ chức lớn đều kỳ vọng giá dầu sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới, tuy nhiên mùa đông chỉ mới bắt đầu và vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn trên thị trường dầu, hoàn toàn có thể khiến cho diễn biến giá thực tế khác với kỳ vọng hiện tại. Dù là dự báo mang tính chính thống của EIA, IEA, OPEC, hay của các tổ chức đầu tư như Goldman Sachs, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong cuối năm vẫn sẽ duy trì, và giữ giá xung quanh vùng 80 USD/thùng, trước khi có các yếu tố mới xuất hiện và tạo ra xu hướng rõ ràng.
Nguồn:TTXVN/Báo Tin tức