Sau khi giá xăng điều chỉnh tăng từ 17h ngày 17/7/2019, hiện giá xăng vẫn giữ nguyên cho đến khi có thông báo mới.
Giá xăng hiện tại
Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG)
Trên thị trường khí gas, giá tiếp tục ổn định kể từ khi giá gas điều chỉnh giảm ngày 1/7/2019. Hiện giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng ở mức 306.000 đồng/bình 12 kg.
Thế giới, trong phiên cuối tuần 26/7, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 7 xu Mỹ lên 63,46 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến thêm 18 xu lên 56,2 USD/thùng.
Tính chung trên cả tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 1,7%, sau khi để mất tới 6% hồi tuần trước. Giá dầu WTI cũng tiến 1,2%, đảo ngược so với mức giảm 7,5% của tuần trước đó.
Theo giới quan sát, mức tăng trưởng quý II/2019 lạc quan hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ cùng với hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ của người dân đã phần nào củng cố cho triển vọng tiêu thụ năng lượng.
Mở đầu tuần mới, giá dầu thế giới đã tăng hơn 1% trong phiên ngày 22/7 giữa bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại khu vực giàu năng lượng Trung Đông sau khi Iran ngày 19/7 đã bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh tại khu vực vùng Vịnh nhằm đáp trả hành động tương tự của Anh đối với tàu chở dầu của Iran hồi đầu tháng này.
Động thái này đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Eo biển Hormuz, nơi trung chuyển khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới.
Đà tăng của giá dầu thế giới tiếp tục duy trì trong ngày 23/7, khi các thị trường theo dõi sát sao diễn biến mới nhất về tình trạng xung đột ngày một “nóng” giữa Mỹ và Iran, làm dấy lên quan ngại về nguồn cung dầu thế giới.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2019 tại thị trường New York (Mỹ) phiên này tăng 0,55 USD lên 56,77 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 9/2019 tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 0,57 USD lên 63,83 USD/thùng.
Sang phiên 24/7, giá dầu thế giới quay đầu giảm tới 1% do tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường dầu mỏ bị “phủ mây đen” bởi mối lo ngại sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Trước đó vào ngày 23/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3,2% và 3,5%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.
Theo IMF, căng thẳng thương mại và tình trạng bất ổn kéo dài đang cản trở kinh tế thế giới đi lên và tình hình có thể xấu đi hơn nữa.
Trong phiên giao dịch ngày 25/7, giá dầu đi lên trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Iran, cũng như sự sụt giảm mạnh trong lượng dầu dự trữ của Mỹ.
Số liệu thống kê cho thấy lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ giảm gần 11 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán giảm 4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Sự sụt giảm này là chủ yếu do các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico đang phải khắc phục hậu quả của cơn bão nhiệt đới Barry.
Nhưng đà tăng của “vàng đen” trong phiên này vẫn bị hạn chế do những lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Nguồn: VITIC Tổng hợp
Nguồn:Vinanet