Ông Hùng cho biết, từ đầu năm 2015 đến 31/8/2015, VAMC đã phê duyệt mua 77.273 tỷ đồng, dư nợ gốc nội bảng với giá mua 70.554 tỷ đồng và phát hành TPĐB được khoảng 68.000 tỷ đồng. Với kết quả trên, theo tính toán của ông Hùng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn trên 3% một chút. Và chắc chắn đến 30/9, nợ xấu được đưa về mức 3%, thậm chí có thể dưới mức này.
Cơ sở nào để ông tự tin nhận định như vậy?
Thời gian vừa qua, bên cạnh việc tự xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro, các NH đã chủ động và tích cực bán nợ xấu cho VAMC. Agribank là một điển hình. Từ một NH có nợ xấu tương đối lớn, có thời điểm lên đến trên 6% nhưng đến thời điểm này thì tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,8%. Đây là kết quả đáng biểu dương của NH này.
Bên cạnh việc mua nợ tích cực, VAMC tiếp tục phối hợp với các TCTD để đôn đốc thu hồi nợ như gửi văn bản đến khách hàng yêu cầu làm việc với TCTD, bán tài sản đảm bảo để trả nợ hoặc tìm giải pháp thu hồi nợ cho khách hàng…
Vừa qua, các NH cho biết, nhờ có văn bản đôn đốc từ VAMC đến khách hàng nên đã có tác động rất tích cực đối với việc thu hồi nợ của họ. Vai trò của VAMC trong việc thu hồi, xử lý nợ đang ngày càng thể hiện rõ. Từ đầu năm đến hết tháng 8/2015, VAMC đã thu hồi, xử lý được gần 8.000 tỷ đồng nợ xấu, gần gấp đôi so với con số nợ xấu được xử lý cả năm 2014. Còn tính từ khi mua khoản nợ xấu đầu tiên đến nay, số tiền thu hồi nợ được 13 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ thu nợ tăng lên theo thời gian, nếu như năm 2013, 2014 tỷ lệ thu hồi nợ chiếm khoảng 4%/dư nợ xấu gốc, đến nay con số này tăng lên 7-8%/dư nợ xấu gốc. Tôi cho rằng, đây là chuyển biến tích cực trong năm 2015 mà VAMC đã đạt được.
Sau khi VAMC hoàn thành nhiệm vụ mua nợ xấu bằng TPĐB sẽ tập trung cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, hỗ trợ khách hàng đôn đốc thu hồi nợ, xử lý phát mại tài sản rồi khởi kiện thu giữ tài sản đảm bảo. Tôi tin chắc rằng việc thu hồi nợ và xử lý khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB là hoàn toàn khả quan.
Nhiều ý kiến đánh giá cao việc VAMC hỗ trợ TCTD trong việc tạm dẹp một bên nợ xấu, tuy nhiên, nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để. Để thực hiện được điều này, theo ông cần có giải pháp gì?
Phải nói rằng, Nghị định 34 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 53 đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành, tỉnh, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho VAMC trong việc tổ chức xử lý thu hồi phát mại hoàn tất thủ tục tài sản đảm bảo… Đây cũng là mấu chốt quan trọng để xử lý triệt để được nợ xấu. Tuy nhiên đi vào xử lý tài sản đảm bảo, vấn đề cụ thể không phải liên quan đến Nghị định mà liên quan đến Luật.
Mặt khác, muốn xử lý nhanh khoản nợ phải có thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này thị trường này vẫn chưa có. Mà theo quy định những đơn vị mua bán nợ phải là đơn vị kinh doanh có điều kiện, có giấy phép kinh doanh. Hiện, ngoài VAMC, DATC, AMC của các NH thì chưa có đơn vị nào được phép kinh doanh mua bán nợ trên thị trường.
Những khó khăn vướng mắc của VAMC tôi nghĩ rằng các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã nhìn nhận ra vấn đề. Tôi cũng kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội thấu hiểu việc xử lý nợ xấu là vấn đề hết sức khó khăn khi không được sử dụng bằng vốn ngân sách.
Để khắc phục hạn chế này, theo tôi cần có hành lang pháp lý, một chế tài được thể hiện dưới đạo luật để đảm bảo giải quyết hài hòa các vướng mắc còn tồn tại trong các Luật, tạo thành một bộ luật đủ mạnh đảm bảo tính pháp lý để tổ chức xử lý những khoản nợ xấu VAMC đã mua. Tôi tin chắc khi có được đầy đủ điều kiện cần và đủ, nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn, triệt để hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Thành
Thời báo ngân hàng
Nguồn:Thời báo ngân hàng