Vẫn còn những yếu tố không minh bạch từ các ngân hàng thương mại nên rất khó phát hiện được tình hình thực sự của các ngân hàng này. Đây là một trong những nhận định tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá 13 đến năm 2015.
Đánh giá chung các cơ quan của Quốc hội cho rằng một số báo cáo, trong đó có lĩnh vực ngân hàng đã bám sát theo đề cương, nhưng chủ yếu nêu kết quả thực hiện và giải pháp thời gian tới mà ít nêu tồn tại, hạn chế, nguyên nhân.
Vẫn hết sức phức tạp
Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, an toàn của hệ thống ngân hàng là một trong những vấn đề nằm trong nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội, qua nhiều kỳ họp.
Cơ quan của Quốc hội đánh giá, các hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ, an toàn giữa các tổ chức tín dụng. Việc chi trả tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện rõ rệt, huy động vốn không bị giảm và có thêm các khoản tiền gửi mới.
Kết quả cơ cấu lại ngân hàng trong những năm vừa qua đã góp phần nâng cao mức xếp hạng ngân hàng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định, báo cáo thẩm ra nêu rõ.
Sau các phiên chất vấn, Quốc hội cũng đã yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
Thẩm tra nội dung này, cơ quan chức năng của Quốc hội nhận xét, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường.
Ngân hàng Nhà nước còn được đánh giá đã phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra nhằm góp phần tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối vĩ mô đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong năm 2014 việc điều hành chính sách tiền tệ đã thực hiện được mục tiêu ổn định tiền tệ trên cả 3 góc độ: kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng trên thị trường xã hội, ổn định tỷ giá, người dân hạn chế việc mua vàng để tích trữ, báo cáo khái quát.
Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố không minh bạch từ các ngân hàng thương mại nên rất khó phát hiện được tình hình thực sự của các ngân hàng thương mại..., Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Cơ quan thẩm tra lưu ý Chính phủ và ngành ngân hàng cần rút ra những bài học về phản ứng của thị trường trước những thay đổi chính sách tiền tệ và bám sát hơn nữa để phát huy tối đa vai trò của mình.
Nợ xấu chỉ còn 3,2%
Sau các phiên chất vấn Thống đốc và các thành viên Chính phủ, Quốc hội đã yêu cầu ngành ngân hàng hoàn thiện cơ chế và các giải pháp tích cực giải quyết nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng .
Chính phủ cho biết, đến cuối tháng 8/2015, nợ xấu chiếm 3,2% tổng dư nợ, phấn đấu giảm về mức dưới 3% đến ngày 30/9/2015. Tuy nhiên, Chính phủ lường định, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn lại việc thực hiện "lời hứa” liên quan đến nợ xấu của Chính phủ, báo cáo thẩm tra đánh giá, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp kiểm soát xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Sau 3 năm thực hiện (2012-2014) tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng tổ chức tín dụng.
Tuy tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô vẫn lớn và là một rào cản đối với hoạt động ngân hàng, cơ quan thẩm tra nhìn nhận.
Về sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng, theo báo cáo thẩm tra là đã được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát, hợp nhất, sát nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.
Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau, sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Theo Minh Thúy
VnEconomy
Nguồn:VnEconomy