menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường mua bán nợ: Hành lang pháp lý vẫn đang bó hẹp

11:39 05/06/2015

Theo Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng, để thúc đẩy sự hình thành nhanh hơn của thị trường mua bán nợ cần tăng quyền đối với người cho vay trong xử lý tài sản đảm bảo.
Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng: Cần tăng quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ nợ

Nghị định 34 của Chính phủ bổ sung thêm vốn và cơ chế để VAMC có thể mua bán nợ theo giá thị trường. Tuy nhiên, để triển khai mua bán nợ xấu theo giá thị trường thì phải có thị trường mua bán nợ. Tôi hy vọng trong tháng 6/2015 sẽ có một số đối tượng DN được cấp phép kinh doanh mua bán nợ. Lúc đó việc mua- bán nợ của VAMC triển khai mạnh mẽ hơn.
Để thị trường mua bán nợ đi vào hoạt động cần có cơ chế đặc biệt hoặc phải ban hành luật mới, sửa đổi luật

Một vấn đề thúc đẩy sự hình thành nhanh hơn của thị trường mua bán nợ đó là tăng quyền đối với người cho vay trong xử lý tài sản đảm bảo. Ví như, nếu VAMC mua khoản nợ về và được phép thu giữ tài sản đảm bảo để đấu giá ngay thì chắc chắn hiệu quả rất cao. Nhưng hiện nay, VAMC không được phép làm như vậy mà vẫn phải chờ sự đồng thuận của người đi vay. Nếu chúng tôi bán tài sản nhưng họ không đồng ý mà khởi kiện VAMC thì xử lý ra sao, trách nhiệm người xử lý thế nào? Do đó chúng ta đang vướng về cơ chế chứ không phải là không có tiền tươi thóc thật cho thị trường. Vì thế cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh để thị trường mua bán nợ vận hành được…

Khi có thị trường rồi, các công ty mua bán nợ của TCTD có thể tham gia, với nhiều hàng hóa để cho khách hàng lựa chọn. Ngay cả các TCTD bán nợ cho VAMC cũng vẫn có quyền tham gia và đề nghị VAMC ủy quyền bán theo giá thỏa thuận hoặc theo giá công khai trên thị trường. Từ đó giao dịch mua bán nợ mới sôi động, một khi tiền luân chuyển được thì mới tạo thanh khoản cho thị trường, qua đó mới có thể hỗ trợ chúng tôi xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu thay vì chỉ tạm thời gác sang một bên.

Chuyên gia Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Thị trường mua bán nợ nên đặt dưới sự quản lý của NHNN

Mặc dù nợ xấu đã được VAMC mua lại với số lượng khá lớn. Thế nhưng tốc độ xử lý nợ xấu vẫn còn khá khiêm tốn. Và việc thành lập thị trường mua bán nợ là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh hơn quá trình này.

Tuy nhiên, khâu này liên quan rất nhiều đến khung pháp lý. Mà khung pháp lý của Việt Nam đang còn rất thiếu sót, không có độ mở cao, còn có sự “thiên lệch” trong xử lý nợ xấu, chủ yếu là nghiêng về phía bảo vệ người đi vay nhiều hơn là bảo vệ người cho vay.

Nếu chúng ta có một khung pháp lý thích hợp, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có thêm nhiều người tham gia mua bán nợ. Vấn đề là người mua phải nắm đằng chuôi, họ phải xử lý được tài sản đảm bảo và chuyển đổi thành tiền mặt một cách dễ dàng. Yếu tố quan trọng nhất để tạo thông thoáng cho thị trường này, theo tôi đó là cần phải cho phép người cho vay được xử lý tài sản đảm bảo qua hai kênh. Kênh pháp lý qua tòa án và không phải ra tòa.

Như ở bên Mỹ, một tài sản đảm bảo thế chấp cho NH. Khi người vay bị vỡ nợ thì NH toàn quyền sử dụng tài sản đảm bảo đó mà không cần phải qua tòa án. Họ có thể bán đấu giá và toàn quyền xử lý tài sản đảm bảo đó và luật pháp bảo vệ cho họ thực hiện. Ở Việt Nam cũng cần phải có một kênh hay cách xử lý như vậy. Tức là nếu người đi vay bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả mà NH đã có trong tay sổ đỏ của họ thì NH có quyền bán và đấu giá tài sản mà không cần phải qua hệ thống tòa án.

Trong trường hợp giá trị tài sản đảm bảo xuống thấp quá, mà người vay còn nhiều tài sản có giá trị để bù đắp thì mới cần sử dụng đến kênh tòa án. Nhưng tôi cho rằng, kênh tòa án cũng nên có cơ chế riêng đối với xử lý nợ xấu. Vì thời điểm này hệ thống tòa án đang quá tải với các vụ án tồn đọng rồi. Vì vậy, theo tôi cần có tòa án chuyên biệt thì mới xử lý nhanh chóng nợ xấu tồn đọng. Ngoài ra, việc ban hành một luật riêng để giải quyết những vướng mắc về nợ xấu cũng rất cần thiết.

Tôi tin rằng nếu khung pháp lý thay đổi thì không những NĐT trong nước mà NĐT nước ngoài cũng tham gia mua bán nợ. Và để tránh sự “bát nháo”, thị trường mua bán nợ nên đặt dưới sự quản lý của cơ quan nào đó. Trong trường hợp này, theo tôi nghĩ NHNN là cơ quan chủ trì, cầm trịch thị trường này là phù hợp nhất.

Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Luật sư Trương Thanh Đức:

Thay đổi tư duy mua bán nợ

Nếu những vướng mắc về cơ chế, luật không được tháo gỡ thì việc thành lập thị trường mua bán nợ sẽ còn xa vời. Theo quy định, DN được phép mua nợ, nhưng nhiều cơ quan pháp luật lại cho rằng họ không được phép. Trong lúc này đang cần sự tham gia tích cực của DN. Tôi được biết có công ty đăng ký, nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư không đồng ý với lý do chỉ có NH mới được phép thực hiện và đây là mảng kinh doanh có điều kiện. Vì thế, những DN thông thường không được phép tham gia mua nợ. Trong khi ở nước ngoài chỉ yêu cầu các DN phải tuân thủ tốt các quy định thì họ được thoải mái hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.

Thời gian tới, để mua bán nợ theo giá thị trường thì phải có cơ chế luật lệ rõ ràng. Như các quy định của pháp luật liên quan đến BĐS hiện không cho phép sở hữu, thế chấp với người nước ngoài. Nên họ không thể mua lại số nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng BĐS ở Việt Nam, dù rất muốn. Bản thân VAMC cũng chưa có cơ chế bán nợ rõ ràng, bán dưới giá mua vào phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, để thị trường này đi vào hoạt động thì cần cơ chế đặc biệt để giải quyết, thậm chí chúng ta phải ban hành luật mới hoặc sửa luật.
 
Một trong những nhân tố thúc đẩy hoạt động mua bán nợ xấu nhanh và hiệu quả là hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ. Thế nhưng cho đến giờ chúng ta vẫn chưa làm được điều này. Vì sao vậy? Phóng viên Thời báo NH trích lược một số ý kiến của các chuyên gia NH, người trong cuộc và đưa ra những kiến giải tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường mua bán nợ.