menu search
Đóng menu
Đóng

Ba biện pháp để ngăn chặn tôm bị nhiễm kháng sinh

08:46 29/05/2015
Liên quan đến vấn đề các lô hàng tôm xuất khẩu (XK) bị Mỹ, Nhật và châu Âu trả về liên tục thời gian gần đây do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, Bộ NN&PTNT đã có 3 giải pháp nhằm nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, đưa chất kháng sinh vào con tôm.

Liên quan đến vấn đề các lô hàng tôm xuất khẩu (XK) bị Mỹ, Nhật và châu Âu trả về liên tục thời gian gần đây do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, Bộ NN&PTNT đã có 3 giải pháp nhằm nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, đưa chất kháng sinh vào con tôm.

Gần đây, thông tin về vấn đề liên quan đến số vụ tôm Việt Nam XK vào Mỹ, Nhật và châu Âu (EU) bị từ chối ngày càng tăng, nguyên nhân chủ yếu do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, khiến XK tôm có nguy cơ mất thị phần.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, đưa chất kháng sinh vào con giống, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và đưa ra 3 giải pháp.

Thứ nhất, Bộ chỉ đạo tăng cường kiểm tra chất lượng các lô hàng trước khi XK. Song song đó, tăng cường thanh tra, giám sát các cơ sở nuôi trồng, khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản, nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Thứ hai, hướng dẫn lại người nuôi về vấn đề sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, phải có phương pháp thay thế, ít dùng kháng sinh trong quá trình nuôi.

Thứ ba, khuyến khích các DN chế biến xây dựng các vùng nuôi an toàn để thu mua sản phẩm cho rõ nguồn gốc. Để giảm kháng sinh thì khuyến khích người dân và DN nên dùng nhiều chế phẩm sinh học hơn, nuôi với mật độ thưa hơn để bớt dịch bệnh.

Thực tế, hiện nay có một số trại giống chỉ quan tâm đến lợi nhuận, họ không chỉ dùng chất kháng sinh để trộn cho tôm ăn trong lúc ương vèo (hình thức nuôi tôm con trong diện tích nhỏ với mật độ rất cao nhằm mục đích giúp tôm con lớn, khỏe, đều hơn trước khi thả ra ao nuôi), mà còn “ngâm tôm giống trong kháng sinh”, nghĩa là họ đưa các chất kháng sinh vào môi trường nước nuôi tôm trước khi xuất bán. Tôm bị nhiễm kháng sinh, có dư lượng kháng sinh cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường XK thủy sản.

Ngoài ra, ông Phạm Anh Tuấn cũng khuyến cáo, để người nuôi tôm không phải chịu thiệt hại khi mua phải nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng, cần đầu tư các trang thiết bị kiểm tra chất lượng con giống, nguồn nước để giúp các hộ kinh doanh, sản xuất tôm giống nhằm ngăn chặn việc lạm dụng, đưa chất kháng sinh vào con giống.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dư lượng kháng sinh cấm là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số lượng các lô hàng tôm bị từ chối nhập khẩu; 75% tôm bị từ chối là do nitrofuran và dư lượng thuốc thú y.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Nguồn:Tin tham khảo