Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, hiện nay lợi thế này vẫn chưa thật sự được phát huy do việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi ra bên ngoài thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông chưa được quan tâm đầu tư đúng tầm. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhỏ lẻ tại các cửa hàng, siêu thị mỹ nghệ Vũng Tàu nên sản lượng tiêu thụ không ổn định, còn bấp bênh, sản xuất ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nhiều sản phẩm đã và đang bị mai một theo thời gian. Trước đây, trên địa bàn thành phố có hàng chục cơ sở sản xuất, thu hút hàng trăm lao động tham gia, nhưng đến nay còn lại rất ít cơ sở sản xuất với vài chục lao động bởi nhiều cơ sở, hộ tiểu thương đã bỏ nghề hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác. Đây là tình trạng báo động đối với một sản phẩm gắn với du lịch của TP. Vũng Tàu.
Để duy trì, khuyến khích phát triển nghề truyền thống, trong năm 2009, với nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện đề án “Hỗ trợ và duy trì phát triển nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với các nội dung như: In ấn phát hành brochure mỹ nghệ sò ốc, tổ chức hội thảo tìm giải pháp duy trì và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ cũng là nghề truyền thống của tỉnh.
Hiện nay, trung tâm đang hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm bao gồm tổ chức vận động các DN mỹ nghệ sò ốc tham gia các hội chợ triển lãm, tham dự các cuộc thi về sản phẩm mỹ nghệ nhằm có cơ hội tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trung tâm cũng vận động các cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu, ổn định sản xuất phát triển nghề truyền thống của địa phương.
(TTNN)
Nguồn:Vinanet