menu search
Đóng menu
Đóng

Bình Thuận: Sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 28,6%

14:57 01/04/2008
Quí I/2008, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 1.059,9 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị sản xuất công nghiệp quý 1/2008 (giá cố định 1994) ước đạt 1.059,9 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 300 tỷ đồng, tăng 61,7% so cùng kỳ (riêng Thuỷ điện đạt 265,8 tỷ đồng, tăng 74,2% so cùng kỳ do có thêm nguồn điện từ tổ máy thứ nhất của Nhà máy thủy điện Đại Ninh hòa lưới điện quốc gia từ ngày 17/01/2008); kinh tế ngoài nhà nước đạt 729 tỷ đồng (tăng 19% so cùng kỳ); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 30,8 tỷ đồng (tăng 17,3% so cùng kỳ).

Một số doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động đã ổn định sản xuất như: Công ty TNHH Đông Á (sản xuất tole mạ màu); Công ty liên doanh TNHH Mitr Kasetr Thuận Phước (sản xuất đường); Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phú Long.

Mặc dù gặp ảnh hưởng việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu, song nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý 1/2008 vẫn giữ được ổn định. So với cùng kỳ năm trước, hầu hết các sản phẩm sản xuất đều tăng, như: đá xây dựng (tăng 20,9%); thủy sản đông (tăng 21,9%); thủy sản khô (tăng 18%); nước mắm (tăng 14%); đường (tăng 11,8%); sản phẩm may mặc (tăng 20,3%); gạch nung (tăng 26,5%); điện sản xuất (tăng 73,8%). Các cơ sở chế biến thực phẩm tiếp tục chú trọng đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao, số tàu khai thác hải sản “nằm bờ” nhiều, nguồn nguyên liệu chế biến hải sản trong thời gian tới có thể không ổn định.

Công tác hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, phát triển sản phẩm thủy sản chế biến, tảo, mủ cao su được tiếp tục triển khai; công tác khuyến công được quan tâm tập trung vào phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và xuất khẩu, nhất là các ngành nghề truyền thống như làm gốm, dệt thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lá buông, tre, đúc tượng mỹ nghệ; toàn tỉnh hiện có 21 làng nghề được công nhận.

Về tiếp tục xây dựng phát triển các khu công nghiệp (KCN), đến nay KCN Phan Thiết (giai đoạn 1) đã thu hút được 28 dự án, trong đó có 5 dự án thuộc nguồn vốn FDI; hiện có 20 dự án đang sản xuất kinh doanh. KCN Phan Thiết (giai đoạn 2) với diện tích 40,7 ha, đã thu hút được 5 dự án đầu tư (trong đó có 3 dự án đăng ký nhưng chưa triển khai), hiện đang tiếp tục san lấp mặt bằng để sớm giao đất cho nhà đầu tư. KCN Hàm Kiệm diện tích hơn 500 ha đã làm lễ khởi công xây dựng hạ tầng vào cuối tháng 2/2008, theo cam kết của nhà đầu tư, trong năm 2008 sẽ hoàn tất san lấp mặt bằng đạt 70% khối lượng đối với KCN Hàm Kiệm 1 và 40% khối lượng đối với KCN Hàm Kiệm 2. KCN Sơn Mỹ (đây là khu liên hợp, dịch vụ thương mại quy mô lớn nhất tỉnh được đầu tư hiện đại) đang tiến hành các thủ tục làm hồ sơ quy hoạch, chỉnh sửa, hoàn chỉnh đồ án để tiến hành giải phóng mặt bằng. KCN Tân Đức, Khu dân cư dịch vụ thương mại Tuy Phong đang lập quy hoạch chi tiết.

Trong thời gian tới song song với việc tập trung đẩy mạnh tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển; các cấp, các ngành hữu quan cần phải dồn sức, tập trung trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp trọng điểm, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thu hút đầu tư để đưa ngành công nghiệp tỉnh nhà bức phá, theo kịp với một số tỉnh trong khu vực.

(Cục thống kê Bình Thuận)

 

Nguồn:Vinanet