menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Y tế yêu cầu bắt buộc phải ghi nhãn thuốc bằng Tiếng Việt

10:43 28/05/2008
Ngày 12/5/2008 Bộ Y tế ban hành Thông tư 04/2008/TT-BYT về việc hướng dẫn ghi nhãn thuốc. Theo hướng dẫn, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn thuốc phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ tên biệt dược, tên chung quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất...
Những nội dung ghi trên nhãn phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất, công dụng của thuốc. Thuốc được sản xuất và lưu thông trong nước có thể được ghi đồng thời bằng ngôn ngữ khác, nhưng nội dung đó phải tương ứng nội dung tiếng Việt.
Thuốc nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn gốc chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện và giữ nguyên nhãn gốc của thuốc.
Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn thuốc thông thường gồm: Tên thuốc; hoạt chất, hàm lượng hoặc nồng độ; dạng bào chế, số đăng ký, số lô sản xuất, ngày sản xuất, hạn dùng, điều kiện bảo quản; xuất xứ của thuốc.
Những nội dung bắt buộc khác, như: Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định; các dấu hiệu lưu ý; hướng dẫn sử dụng thuốc... được ghi trong nhãn phụ hoặc trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc phải có đầy đủ thông tin về tên thuốc, thành phần, công thức, chỉ định, liều và cách dùng, đường dùng, chống chỉ định, thận trọng khi dùng thuốc, tương tác của thuốc, tác dụng không mong muốn, quá liều và cách xử trí; các dấu hiệu lưu ý và khuyến cáo, điều kiện bảo quản, hạn dùng…
Thuốc lưu thông trong nước, thuốc xuất khẩu, nhập khẩu đều phải ghi nhãn. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật về nhãn thuốc, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các nội dung ghi trên nhãn thuốc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 90 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 14/2001/TT-BYT ngày 26/6/2001 của Bộ Y tế về hướng dẫn ghi nhãn thuốc và nhãn mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người, Thông tư số 14/2000/TT-BYT ngày 22/6/2000 của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ đối với ghi nhãn hàng hoá văcxin, sinh phẩm miễn dịch.

Thuốc có nhãn ghi theo Thông tư 14/2001/TT-BYT ngày 26/6/2001 và Thông tư số 14/2000/TT-BYT ngày 22/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã đưa vào lưu thông trên thị trường trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục lưu thông đến hết hạn dùng của thuốc.

(CP)

 

Nguồn:Vinanet