menu search
Đóng menu
Đóng

Bùng phát dịch cúm gia cầm ở châu Á

23:10 15/02/2014
Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc cảnh báo khả năng chủng cúm gia cầm H7N9 bùng phát mạnh ở Trung Quốc có thể truyền sang Việt Nam qua đường biên giới với Trung Quốc.

 

Ngày 12-2, Cục Kiểm dịch cộng đồng (CDCD) thuộc Bộ Y tế Campuchia xác nhận một bé trai 7 tuổi và em gái ruột 3 tuổi ở tỉnh Kratie đã tử vong ngày 7-2 vì nhiễm virus cúm H5N1, đưa tổng số ca tử vong vì căn bệnh này ở Campuchia từ đầu năm 2014 lên 3 người. Cả hai nạn nhân đều đã có tiếp xúc với gia cầm trước khi có triệu chứng nhiễm bệnh giống nhau.

Cũng ngày 12/02/2014, Bộ Y tế Malaysia đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) đầu tiên tại nước này, bệnh nhân nữ 67 tuổi là khách du lịch đến từ Trung Quốc và sống tại tỉnh Quảng Đông, trước khi đến Malaysia bệnh nhân đã bị sốt và đã được điều trị ban đầu. Tại Malaysia, bệnh nhân được nhập viện ngày 07/02/2014 và xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9).

Cùng ngày, tại Hồng Kông (Trung Quốc), các quan chức và chuyên gia y tế Trung Quốc cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch cúm H7N9 từ kinh doanh gia cầm sống. Theo Trung tâm phòng chống cúm quốc gia Trung Quốc, sự gia tăng số bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 trong thời gian gần đây là do có nhiều người tiếp xúc với gia cầm sống trong các kỳ nghỉ lễ.

Được biết, virus cúm gia cầm xuất hiện tại Trung Quốc từ tháng 3-2013. Hiện nay, tại các chợ gia cầm ở nước này, tỷ lệ dương tính với cúm A/H7N9 nhiều hơn các loại khác. Nhiều mẫu phân tươi, chất thải, nước thải ở đây cũng phát hiện có chứa virus.

Từ đầu năm đến nay, tại Trung Quốc có hơn 180 trường hợp nhiễm cúm H7N9, trong đó gần 40 người đã tử vong.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã lên tiếng báo động sau khi chủng vi rút cúm gia cầm mới, H10N8, khiến 1 phụ nữ tử vong hồi cuối năm 2013 và thêm 1 người khác nhiễm bệnh vào tháng trước.

Là chủng cúm mới thứ 5 xuất hiện trong vòng 17 năm qua, vi rút H10N8 có bộ gen đáng lo ngại và cần được theo dõi chặt chẽ. Chủng cúm này tỏ ra có khả năng nhiễm vào mô nằm sâu trong phổi và có những đặc điểm cho phép nó lây lan mạnh từ người sang người.

Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc cảnh báo khả năng chủng cúm gia cầm H7N9 bùng phát mạnh ở Trung Quốc có thể truyền sang  Việt Nam qua đường biên giới với Trung Quốc.

Khuyến cáo vừa nói được Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc đưa ra với lý dó là tình trạng buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc đang diễn ra tại khu vực giáp ranh các tỉnh miền nam Trung Quốc với các tỉnh phía bắc Việt Nam.

Hiện virus cúm đã lây lan tới Quảng Tây là địa phương có biên giới sát với 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 ở Quảng Tây.

Tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm cũng đã xuất hiện nhỏ lẻ ở một số địa phương.

Nguồn Tiền phong online cho biết, chiều 14/2, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 8 tỉnh là Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An và Đắk Lắk.

Ngày 14/2, tỉnh Long An công bố dịch cúm H5N1 trên gia cầm xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và xã Bình Quới (huyện Châu Thành). Số gia cầm đã tiêu hủy ở hai địa điểm trên hơn 2.500 con. Chi cục Thú y Long An đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Đắk Lắk, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 3 xã Hòa Thắng, Ea Uy, Ea Wer (thuộc TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắk và huyện Buôn Đôn) làm gần 900 gia cầm mắc bệnh, số tiêu hủy lên tới hơn 1.600 con.

Ngoài ra, một số địa phương khác xuất hiện các điểm dịch cúm gia cầm dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi), hiện đã được xử lý, không để dịch lây lan.

Tại Kon Tum, cúm gia cầm lan ra 3 huyện thị. Từ 26/1 đến 13/2, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại 5 hộ chăn nuôi (thuộc phường Lê Lợi, phường Ngô Mây của TP Kon Tum); xã Đăk Sú (huyện Ngọc Hồi) và xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), với tổng số trên 4.000 con gia cầm mắc bệnh và đã thực hiện tiêu hủy trên 8.400 con gia cầm, trên 3.200 quả trứng.

Chi cục Thú y Kon Tum đã kịp thời cấp phát tạm ứng trên 60.000 liều vắc xin cúm gia cầm, 10.000 lít hóa chất Bencocit và các trang thiết bị cần thiết để triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường.

Dịch cúm gia cầm tại thị xã Ninh Hòa. Theo UBND thị xã Ninh Hòa, dịch bệnh cúm gia cầm (H5N1) được phát hiện tại Ninh Hòa từ ngày 22/1, đến ngày 14/2 đã có 8 ổ dịch ở 8 xã, phường, với tổng số gia cầm bị tiêu hủy trên 13.500 con.

Theo TBKTSG online đưa tin hôm 13/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Cao Đức Phát, kiêm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, cho hay Bộ đã ra lệnh cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc.

TBKTSG online dẫn lời Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch cúm H7N9 lan sang Việt Nam là ngăn chặn buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm có thể mang theo virus vào Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc.

Trước tình hình cúm A/H7N9 có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Cục Thú y đã ra “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người” và có hiệu lực trong ngày mai, 14-2.

Đại diện của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho hay, Việt Nam, Lào, Myanmar là các nước có nguy cơ cao lây nhiễm virus cúm A/H7N9; do vậy các nước cần có chương trình ứng phó. Hơn nữa, các hoạt động truyền thông rủi ro rất quan trọng, đặc biệt là ở các địa phương, các chợ, các địa bàn có nguy cơ cao.

T. Hải tổng hợp