menu search
Đóng menu
Đóng

Chạy đua bằng chính sách kinh tế

09:47 16/06/2008
Khi nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực suy thoái thì có lẽ điều mà cử tri Mỹ quan tâm nhiều nhất lúc này là hai ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng, Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa, sẽ làm thế nào để vực dậy nền kinh tế đứng đầu thế giới.
 
 
"Lá bài" kinh tế là tâm điểm công kích
Khởi động chiến dịch vận động tranh cử, từ ngày 9-6, thượng nghị sĩ Barack Obama đã thực hiện chuyến công du hai tuần lần lượt qua các bang quan trọng. Ông Obama đã tấn công vào chính sách kinh tế của đối thủ như vấn đề trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Ông Barack Obama ví von, sự lựa chọn giữa ông và McCain là sự lựa chọn giữa tương lai và quá khứ. Ông ca ngợi ông McCain về những kinh nghiệm trong quân đội và quá trình phục vụ Chính phủ nhưng công kích kịch liệt đường lối kinh tế của vị thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa: “Đây là lúc các bạn lựa chọn. Một bên là chính sách kinh tế khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo, gia tăng nợ nần và đưa nền kinh tế đến bên bờ vực suy thoái. Một bên là những thay đổi sẽ tạo ra sự cân bằng trong nền kinh tế, cân bằng giữa đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm, một chính sách giữ cho nước Mỹ sự thịnh vượng và tính cạnh tranh trong thế kỷ 21”.
Đáp lại, ông McCain cho rằng: “Trong khi người dân lao động bị ảnh hưởng nặng nề thì Barack Obama lại cam kết tăng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội, thuế cổ tức và thuế đánh vào những doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người dân”. Phát ngôn viên của ông McCain, Tucker Bounds, thậm chí còn lớn tiếng cho rằng: “Ông Barack Obama không hiểu gì về kinh tế Mỹ và sự thay đổi mà ông ấy thường nhắc đến đó chúng ta không thể chấp nhận được”.
Khác biệt về căn bản
Ông Obama chỉ trích chính sách kinh tế của ông John McCain chỉ là sự tiếp nối chính sách hiện tại của Chính quyền Bush. Ông nhấn mạnh các cam kết của bản thân để hỗ trợ kinh tế: cắt giảm thuế cho các gia đình có thu nhập trung bình và những người đã về hưu, đưa ra một gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 50 tỉ đô la Mỹ, tăng phúc lợi cho người thất nghiệp và tăng viện trợ cho những người mua nhà trước nguy cơ bị tịch biên nhà do không có khả năng chi trả.
Ông Obama hứa sẽ duy trì việc cắt giảm thuế cho mọi đối tượng, trừ những ai có thu nhập từ 250.000 đô la Mỹ trở lên. Ông cũng khẳng định sẽ duy trì bảo hiểm xã hội bằng cách yêu cầu những người giàu có phải đóng góp nhiều hơn. Thượng nghị sĩ người da màu này còn tuyên bố sẽ hủy bỏ việc cắt giảm thuế của ông Bush đối với những công dân sở hữu nhiều tài sản nhất.
Trong bài phát biểu tại bang Bắc Carolina, nơi từ lâu đã hậu thuẫn cho các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa nhưng cũng là bang có nhiều người dân da đen, ông Obama khẳng định sẽ tăng cường vai trò của Chính phủ trong việc hồi phục nền kinh tế.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ McCain cam kết cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và các loại thuế khác. Ngoài ra, ông sẽ loại bỏ thuế lựa chọn tối thiểu (Alternative Minimum Tax) và đưa ra một bộ điều lệ thuế thu nhập tùy chọn với hai thuế suất, đơn giản hơn luật hiện hành. Theo đó, người nộp thuế có thể lựa chọn giữa hai bộ điều lệ thuế này để áp dụng.
Các nhà chuyên môn nhận định, chính sách này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đối tượng nộp thuế trong việc xác định nghĩa vụ thuế của họ. Tuy nhiên, một khi điều lệ thuế mới hấp dẫn hơn điều lệ cũ, thì điều lệ cũ có thể sẽ bị hủy bỏ.
Mặc dù có chung quan điểm với đối thủ về giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các phương tiện sử dụng xăng dầu thải ra, nhưng ông Obama phản đối kế hoạch của ông McCain về việc tránh đánh thuế xăng trong mùa hè và số tiền để bù đắp cho chương trình này sẽ lấy từ Quỹ Ủy thác xa lộ.   Theo ông Obama, một kế hoạch như vậy không đủ để giúp người tiêu thụ xăng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, mà cũng không thể giúp hạ giá xăng xuống. Để hạn chế đà leo thang của giá dầu, ông McCain kêu gọi Chính phủ ngừng chuyển dầu vào kho dự trữ xăng dầu chiến lược của nước này.
Tại Indiana, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin, ông Obama đã buộc tội Tổng thống Bush và những đồng minh của ông, trong đó có cả thượng nghị sĩ McCain, đã đẩy người dân ở đây vào cảnh khốn cùng khi họ phải đối mặt với giá xăng ngày càng leo thang và những chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Người đại diện của đảng Dân chủ cho biết, đảng này đã lên kế hoạch giải quyết các vấn đề kinh tế ở tầm vĩ mô, trong đó có việc giá xăng leo thang và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Đảng này khẳng định, họ sẽ bỏ phiếu để thông qua việc tăng phúc lợi xã hội cho những người bị thất nghiệp trong tuần này – có khả năng là vào ngày 13-6. Ông cho biết, sẽ phản đối những nỗ lực để thực hiện đầu tư cá nhân hoặc tăng tuổi nghỉ hưu.
Đối với vấn đề cải thiện lĩnh vực y tế, ông McCain chủ trương dựa vào các nỗ lực cá nhân và các lực lượng thị trường để cắt giảm chi phí trong ngành này. Còn ông Obama lại muốn dựa vào hành động của Chính phủ và đề xuất việc thiết lập hệ thống bảo hiểm sức khỏe bắt buộc dành cho các công ty và cá nhân. Kế hoạch của ông McCain là không bắt buộc ai cũng phải có bảo hiểm, nhưng ông sẽ điều chỉnh các ưu đãi thuế cho những ai thực hiện bảo hiểm.
Sự khác biệt về chính sách kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, Barack Obama và John McCain, còn nhiều điều phải bàn. Và dù ai đắc cử thì những chính sách của họ sẽ tác động lớn, thậm chí có thể làm xoay chuyển cả nền kinh tế Mỹ kéo theo sự ảnh hưởng đối với thế giới.

Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn