menu search
Đóng menu
Đóng

Chùm thông tin thị trường gạo thế giới ngày 24/3/2010

16:32 25/03/2010
 

Philippine: có thể thông qua gạo biến đổi gien

Philippine có thể trở thành nước Châu Á tiếp theo, sau Trung Quốc, thông qua kế hoạch trồng đại trà lúa biến đổi gien, có thể vào đầu năm 2011.

Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI), Robert Zeigler, cho hay nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới này hiện là một trong số những nước Châu Á đang thử nghiệm lúa biến đổi gien.

Gạo Vàng - một loại gạo giàu Vitamin A, được phát triển bởi IRRI - đang được lai với các giống tại Philippines cũng như tại Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam và trồng thử nghiệm để xác minh độ an toàn. Ông Zeigler cho biết: "Nhiều khả năng chính phủ Philippines sẽ chấp nhận cho canh tác trên diện rộng loại gạo vàng vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012". Bangladesh sẽ là quốc gia tiếp theo và Ấn Độ có thể sẽ trồng loại gạo này sau 1 hoặc 2 năm sau đó.

Trung Quốc đã phê chuẩn tính an toàn của loại gạo này vào tháng 11 năm ngoái, mở đường cho việc giới thiệu rộng rãi gạo biến đổi gen trong vòng 3 năm tới.

Với ngân hàng gien khoảng 100.000 giống lúa, IRRI sẽ nhân giống các loại gạo năng suất cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Italia: tăng diện tích trồng lúa

Diện tích trồng lúa ở Italia – nước sản xuất gạo lớn nhất Châu Âu, dự kiến sẽ tăng 1 – 2% trong năm nay, bởi giá cao khích lệ nông dân trồng lúa.

Giá gạo tại thị trường Italia năm qua giảm, song vẫn cao hơn nhiều so với giá lúa mì và ngô. Vì vậy đây đang là loại cây trồng được người nông dân lựa chọn.

Xuất khẩu gạo của Italia tăng trong mấy tháng qua bởi khách hàng làm đầy kho dự trữ của họ sau khi các kho đều cạn kiệt từ năm ngoái – khi khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng.

Xuất khẩu gạo Italia giảm 11% xuống khoảng 660.000 tấn trong 11 tháng đầu năm 2009.

Nước này bán một nửa sản lượng gạo hàng năm ra nước ngoài. Sản lượng lúa Italia năm 2009 đạt 1m6 triệu tấn, so với 1,3 triệu tấn năm 2008.

Thái Lan sẽ triển khai xúc tiến thương mại gạo

Phó Thủ tướng Thái Lan Trairong Suwankhiri dự kiến dẫn đầu phái đoàn các quan chức chính phủ và giới doanh thương nước này tham gia chương trình xúc tiến thương mại lưu động tại 10 nước ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và một số nước châu Phi để thúc đẩy kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn gạo theo các hợp đồng bán cho chính phủ các nước.

Diễn ra từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2010, các hoạt động của phái đoàn sẽ quảng bá sản phẩm gạo của Thái Lan tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Bangladesh, Ấn Độ, Mauritius, Iran, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Libya và Senegal.

Chính phủ Thái Lan hy vọng hoạt động này sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhằm "giải tỏa" bớt lượng gạo lưu trữ trong kho và hỗ trợ giá gạo trong nước, trong bối cảnh Bộ Thương mại Thái Lan đang tích cực chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thương mại ở nước ngoài.

Những loại gạo được Thái Lan chào bán gồm gạo 5% tấm, 15% tấm và 25% tấm, gạo tấm, gạo nếp, gạo sấy và gạo Hương nhài.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang được bán với giá 500 USD/tấn, so với mức giá khoảng 360 USD/tấn của Việt Nam.

Do giá cả không cạnh tranh, xuất khẩu gạo của Thái Lan tiếp tục giảm trong vài tháng qua, trong khi Chính phủ nước này đặt mục tiêu xuất khoảng 8,5-9 triệu tấn gạo các loại năm nay.

Hàn Quốc: Chính phủ tăng cường hỗ trợ ngành lúa gạo

Theo tin từ Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, Chính phủ nước này sẽ tăng cường hỗ trợ ngành chế biến gạo bằng việc tăng cho vay với lãi suất thấp.

Số tiền cho vay ưu đãi năm nay sẽ lên tới 60 tỷ Won (53,1 triệu USD), nhiều gấp 6 lần so với năm 2009.

Tiêu thụ gạo trung bình người ở Hàn Quốc là 74 kg trong năm 2009, giảm 2,4% hay 1,8 kg so với năm trước đó.

Malaysia: Sẽ tăng gấp 4 lượng gạo nhập từ Pakistan

Để giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam, Malaysia có thể sẽ tăng gấp 4 lượng gạo nhập từ Pakistan.

Hiện tại, Pakistan là nhà nguồn cung lớn thứ 3 cho Malaysia nhưng chỉ chiếm 4,1%. Lượng nhập từ Thái Lan và Việt Nam chiếm lần lượt 45,91% và 34,5%.

Sản phẩm gạo từ Pakistan là gạo Basmati bao gồm cả Super, Shaheen, Kernal, BIAB, IRRI-9, IRRI-6, gạo tấm, lúa, gạo lức, gạo xay một phần và gạo xay xát.

Trong năm 2008, tổng lượng xuất khẩu gạo của Pakistan sang cho Malaysia đạt 110,97 triệu MYR

(Vinanet)