menu search
Đóng menu
Đóng

Cuộc vật lộn để giành miếng ăn ở Trung Quốc, Ấn Độ

09:01 06/05/2008
Với số dân khổng lồ, Trung Quốc và Ấn Độ đang sử dụng một nguồn lương thực vô cùng lớn trên thị trường thế giới. Họ đang hướng ra nước ngoài khi ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc cung cấp lương thực cho chính người dân trong nước.
Santarém là một thành phố nhỏ. Nó có lẽ sẽ yên tĩnh hơn, và giống khung cảnh của một làng quê lặng lẽ nếu không bị phá vỡ bởi những tiếng ồn do hoạt động của tập đoàn nông nghiệp Mỹ Cargill.
Những cần cẩu thép vươn dài lên bầu trời, không ngừng cẩu hàng chục tấn đậu tương lên các tàu thuyền chờ sẵn. Từ đây, các con tàu bắt đầu lộ trình tới Trung Quốc.
Cho tới cuối thế kỷ trước, đậu tương chưa từng ’’có tiếng’’ ở lưu vực Amazon. Tới khi đất đai trở nên rẻ hơn, những ngân hàng chuyên cho vay nợ với lãi suất thấp để đầu tư vào trồng trọt và việc tiêu thụ với Cargill được đảm bảo, mọi chuyện đã thay đổi.
Đất nông nghiệp, đồn điền cao su, đất trồng cỏ cho gia súc biến thành các cánh đồng đậu. Nông dân thậm chí đã sử dụng cả những diện tích rừng rộng lớn để trồng đậu tương đến khi những tổ chức môi trường lên tiếng. Ở Mato Grosso, một vùng nông nghiệp quan trọng nhất trong khu vực, nhà sản xuất và tổ chức môi trường đã nhất trí tạm ngừng hoạt động trong vòng hai năm trên các cánh đồng đậu tương ở lưu vực Amazon.
Và hiện tại, thời gian đó đã hết, giá đậu tương lại tăng từng ngày. Nguyên nhân chính là do sự ’’khát khao’’ nguyên liệu thô của Trung Quốc, theo Pedro Jacyr Bongiolo, Chủ tịch Tập đoàn André Maggi, một trong những nhà sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới.
Dấu chấm hết
Từ Río de la Plata đến Amazon, người Trung Quốc đang tìm kiếm mọi nguồn cung đậu tương. Phần lớn diện tích của Mato Grosso đã thực hiện độc canh. Vào mùa khô từ tháng 8-11, người ta vẫn thấy nhiều đám mây khói bao trùm Cuiabá, thủ phủ Mato Grosso. Bất chấp lệnh cấm của chính phủ, rất nhiều nông dân vẫn cố đốt rừng để gia tăng diện tích trồng trọt.
Còn ở nước láng giềng Argentina, đã xuất hiện làn khói dày đặc trên bầu trời thủ đô Buenos Aires hai tuần trước đây. Đó là do các đám cháy ở những trang trại trồng cỏ gần tiểu vùng sông Paraná. Các trang trại này đang bỏ dần nghề trồng cỏ truyền thống, tiến sang mở rộng diện tích trồng đậu tương. Nơi đây cũng vậy, đậu tương được cung cấp chủ yếu cho thị trường Trung Quốc.
Rõ ràng đã nhìn thấy ai là người thua thiệt trong cuộc chiến ’’đậu tương’’. Tại Santarém, hàng trăm nông dân thất nghiệp khi họ bán đồng ruộng cho những người có trang trại quy mô lớn trồng đậu tương. Tiền nhanh chóng bị cạn kiệt và bây giờ, hầu hết trong số này đều sống ở những khu nhà ổ chuột, chỉ có ít người kiếm được việc làm vụn vặt trong nông nghiệp.
"Trồng đậu tương sẽ là dấu chấm hết’’, lãnh đạo nghiệp đoàn Ivete Bastos nói, nhưng có rất ít người có quan điểm giống bà, đặc biệt là ở nơi cách xa Brazil chừng 16.000 km - Trung Quốc. Brazil là một trong những đối tác thương mại chính của Trung Quốc, những hợp đồng lâu năm giữa hai nước đều nhằm đảm bảo cho việc cung cấp nguyên liệu thô với Trung Quốc, và gần đây nhất, là các sản phẩm lương thực.
Một cường quốc đang lên của thế giới, với dân số 1,3 tỉ người đang nỗ lực hết sức mình để chắc chắn rằng, họ không trở thành một nạn nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Và Ấn Độ, ngôi nhà của 1,1 tỉ người, cũng đang tiến gần với Trung Quốc về nhu cầu trên thị trường. Hợp trở lại, hai quốc gia châu Á này cần nguồn thức ăn cho hơn 1/3 dân số thế giới. Ở thời điểm bùng nổ giá lương thực, chỉ vị trí riêng của họ đã đủ làm cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ.
Đối mặt với vấn đề này và cũng còn vì sản xuất lúa mỳ bắt đầu đình trệ khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, Ấn Độ gần đây đã quyết định phát triển chiến lược dự trữ lương thực. Các nhà thống kê ước tính rằng, nhu cầu lương thực tăng 0,7% cho mỗi phần trăm tăng trưởng của Ấn Độ. Như vậy, chỉ tính riêng năm ngoái, khi tăng trưởng theo đầu người của Ấn Độ ở mức 7,5% thì nước này đã cần thêm hơn 5,2% lương thực. Tình hình tương tự với Trung Quốc, nhu cầu đậu tương tăng vọt cũng là do sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người dân nước này. Hơn một nửa sản lượng đậu tương thế giới hiện nay đổ về Trung Quốc.
Thật không khó khăn để hình dung chuyện gì sẽ xảy ra với giá cả lương thực khi hai nước đông dân nhất thế giới này đua nhau mua các sản phẩm lương thực khác như một kiểu ’’mốt’’ trong văn hóa ăn uống. Sẽ là nguy hiểm hơn với các nước nghèo, khi thịt và bột mỳ trở thành loại hàng hóa xa xỉ, trong khi nạn thiếu đói và bạo động vì đói dường như tồi tệ hơn. Tác giả Raj Patel, người viết cuốn sách ’’Thương phẩm và thiếu đói’’ nói ngành công nghiệp lương thực toàn cầu đã cảnh báo rằng những sự kiện ở Haiti là ’’dấu hiệu cho mọi thứ đang đến gần’’.
Một khối lượng lớn đậu tương được giao dịch tại cơ quan Thương mại Chicago, mặc dù không có người Trung Quốc ở đây, nhưng họ đã trở thành chủ đề trong rất nhiều cuộc đàm thoại. Người Trung Quốc quét sạch thị trường mỗi ngày, ’’họ giống như cái chổi khổng lồ’’, một nhà giao dịch nói. Nông dân Trung Quốc cần nhiều thức ăn cho vật nuôi của họ, và các gia đình Trung Quốc thì sử dụng ngày càng nhiều dầu ăn thực vật.
Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc có nhiệm vụ nặng nề. Họ hy vọng ngăn chặn giá cả leo thang bằng cách giảm bớt việc nhập khẩu, nhưng đã không thành. Một sự kiện xảy ra ở siêu thị thuộc thành phố Trùng Khánh, nơi khách hàng dẫm đạp lên nhau để tranh mua dầu ăn giảm giá. Kết quả là ba người chết, 31 người bị thương.
Đầu tư vào châu Phi
Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc dự trữ lượng lúa gạo rất lớn, nhưng tỉ lệ chênh lệch giữa cung cấp và nhu cầu vẫn là 10%, nghĩa là Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu gạo cho 130 triệu người. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, vì các quốc gia xuất khẩu gạo chính như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đã hạn chế lượng gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo cung cấp nội địa.
Kể từ tháng 1, Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp mới: dùng hạn ngạch xuất khẩu, trợ cấp cho nông dân và kiểm soát giá, Bắc Kinh hy vọng sẽ đảm bảo được nguồn cung lương thực trong nước.
Nhưng chưa có biện pháp nào mang lại hiệu quả về dài hạn. Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang phải đối mặt với dân số tăng, đất nông nghiệp giảm sút. Cả hai đều ngày càng phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ nước ngoài. Trung Quốc ước tính rằng, họ cần tới 120 triệu ha đất trồng mới đủ cung cấp lương thực cho người dân. Trong khi đó, những cánh đồng màu mỡ ở đây đang nhường dần cho các tòa nhà bê tông.
Chính vì thế, đất trồng đã bị ’’hút cạn’’ mọi nguồn dinh dưỡng, được khai thác tối đa để sản xuất lương thực. Trung Quốc là khách hàng lớn thứ ba thế giới trong ngành sản xuất phân bón. Giá lương thực gia tăng, thậm chí có người cho rằng, phân bón rồi cũng không còn mang lại năng suất cho đất trồng nữa.
Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho mọi vấn đề. Các chuyên gia của Bộ Thương mại Trung Quốc đã đề xuất đầu tư trực tiếp vào hoạt động nông nghiệp ở Đông Nam Á và châu Phi, những nơi họ có thể xây dựng nông trang để đảm bảo nhu cầu lúa gạo cho đất nước. Mặc dù mùa màng bội thu là điều hiếm có ở châu Phi, nhưng các chuyên gia Trung Quốc hy vọng thông qua đào tạo, nông dân địa phương sẽ cải thiện được mùa màng.
Hơn 10 năm trước đây, các nông dân Trung Quốc đã có hàng chục trang trại lớn ở Zambia. Họ được sự hỗ trợ rộng lớn từ chính phủ tại Thủ đô Lusaka, trả ít thuế vì được kỳ vọng mang lại sáng tạo và khuyến khích nông nghiệp địa phương phát triển.
Ở Uganda, chính phủ của Tổng thống Yoweri Museveni đã cung cấp cho nông dân Trung Quốc 4.000 ha đất trồng. "Chúng tôi mang lại kinh nghiệm và máy móc hiện đại cho dân địa phương’’, Lưu Kiến Quân - Chủ tịch Liên minh kinh tế Trung Quốc - châu Phi nói. "Và chúng tôi có những hạt giống chất lượng cao, mang lại năng suất lớn hơn với các sản phẩm cùng loại ở địa phương’’.
Ước tính hiện tại có khoảng 750.000 người Trung Quốc đang làm việc tại châu Phi.
Tương phản với Trung Quốc, Ấn Độ lại thực thi chính sách cải tổ thị trường những năm 90, khiến hàng trăm nghìn nông dân phải phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia. Họ tin rằng, những kỹ sư chuyên môn sẽ giải quyết vấn đề của họ, rất nhiều người đã chuyển đất nông nghiệp sang đất trồng bông. Nhưng loại cây này rất dễ nhiễm sâu bệnh. Thêm vào đó, nó đòi hỏi nguồn phân bón đắt đỏ, nhu cầu giống mới mỗi năm... Kết quả là, hàng chục nghìn người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí phải tự sát.
Ấn Độ còn phải đi một con đường dài để vượt qua đói nghèo. 70% người Ấn Độ sống ở các làng mạc, thôn xóm xa xôi, hầu hết đều trong cảnh nghèo khổ. Họ đã sản xuất sản lượng lúa gạo nhiều hơn so với những năm 70, thời điểm Ấn Độ tuyên bố lần đầu tiên tự cung lương thực. Nhưng kể từ đó tới nay, dân số Ấn Độ đã tăng gấp đôi.
Vào tháng 1, giá lương thực ở Ấn Độ đã tăng 40%, và lạm phát là 7%. Với Thủ tướng Manmohan Singh, tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn khi nó đe dọa tới sự ổn định của chính phủ liên minh. Chính phủ đã phải trợ cấp dầu cọ và lúa gạo nhập khẩu, việc đầu cơ bị nghiêm cấm. Và nhờ thế, ít nhất đến thời điểm này, một cuộc khủng hoảng thiếu đói chưa xảy ra.
Ấn Độ đang cố gắng đảm bảo nguồn nhập khẩu lương thực thông qua các hợp đồng đa phương, ví dụ như với Kazakhstan. Thêm vào đó, nước này có kế hoạch ’’đầu tư mạnh vào châu Phi’’, như lời Thủ tướng Singh khẳng định. Đầu tháng 3, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo dưới mọi hình thức.
Khi gạo trở nên quá đắt đỏ, đã xuất hiện nhiều loại hình mới nhằm ’’giành giật’’ nguồn lương thực này. Ví dụ tại Thái Lan, đó là nạn trộm lúa. Một nông dân ở tỉnh Sing Buri, ra thăm đồng lúc sáng sớm đã phát hiện ra toàn bộ lúa bị thu hoạch hết. Ông than phiền: ’’Giá gạo thấp, chúng tôi không kiếm đủ tiền trang trải. Giá gạo cao, chúng tôi bị ăn trộm’’.
Và người nông dân đã phải tìm cách bảo vệ thành quả của mình, nhiều người bắt đầu ngủ đêm ngoài đồng trông lúa...

Nguồn:Internet