menu search
Đóng menu
Đóng

Dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2011

14:28 31/10/2011
 

Ngành dệt may tiếp tục giữ thế thượng phong trong số các ngành hàng xuất khẩu chủ lực nước ta, khi kết quả xuất khẩu 10 tháng đạt 11,7 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ.

Có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu này là do đơn đặt hàng ổn định, đặc biệt là những đơn hàng có giá trị cao. Trung bình, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng ngành dệt may đem về hơn 1 tỷ USD, riêng tháng 7 và 8, trung bình kim ngạch đạt trên 1,5 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng phải kể đến do xu thế chuyển dịch thị trường cung ứng hàng dệt may trên thế giới từ Đông Âu sang các nước Châu Á, trong đó Việt Nam là điểm dừng chân của nhiều nhà nhập khẩu lớn, cùng với chính sách mở cửa hội nhập kinh tế của Việt Nam đã tạo tiền đề cho ngành dệt may lập kỳ tích về xuất khẩu..

Ông Enrico Ottolini, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực dệt may cho biết, xu hướng dịch chuyển sản xuất hàng dệt may từ các nước Đông Âu qua Châu Á đang tăng mạnh trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trung Quốc hiện đang đáp ứng 70% nhu cầu may mặc thế giới nhưng sản xuất đang trên đà giảm.

Đây là thời điểm thuận lợi  để những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn như Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu, ông Enrico Ottolini nói.. 

Không chỉ đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Đông Âu, ngay tại khu vực Châu Á, như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore... do thiếu hụt nhân công cũng đã giảm dần việc sản xuất dệt may và đã mang đơn hàng sang đầu tư sản xuất hoặc gia công tại các nước khác trong khu vực có nguồn nhân công dồi dào hơn, trong đó có Việt Nam.

Điển hình là Hàn Quốc, do chi phí lao động tăng cao, Hàn Quốc đã và đang tiếp tục chuyển dịch sản xuất các loại sản phẩm dệt may thông dụng sang Việt Nam. Đồng thời tăng cường nhập khẩu các sản phẩm trên trở lại Hàn Quốc. Chính vì vậy, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế nhưng trong 9 tháng 2011, Hàn Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam lượng hàng may mặc trị giá 600 triệu USD, tăng 145% so với cùng kỳ. Đài Loan đạt 150 triệu USD, tăng 28%, Hồng Kông 47 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ.

Trung tâm Thông tin và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngoài thị trường truyền thống Mỹ, EU, Nhật Bản, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 10 tháng vừa qua, đã xuất hiện thêm một số thị trường mới như Anggola, New Zealan, Cuba với kim ngạch xuất sang 3 thị trường này đạt trên 12 triệu USD.

Xuất khẩu sang một số thị trường như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái  Lan tăng mạnh từ 60-135% trong 10 tháng 2011 so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thu được từ những thị trường này đang trên đà tăng trưởng, nếu như những năm trước đây tỷ trọng chỉ chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, thì sang đến thời điểm này đã chiếm lên gần 20%.

Ông Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại  May Sài Gòn (Garmex) cho rằng, với ưu thế, hàng dệt may của Việt Nam đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và Mỹ thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác sẽ không gặp quá nhiều trở ngại.

Vấn để chỉ còn ở sự thỏa thuận giá cả và chọn những chủng loại phù hợp với văn hóa tiêu dùng và nhu cầu của các thị trường đó. Ngoài ra, cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam đang tăng thêm, khi Việt nam tiến vào thị trường chung Châu Á năm 2015. Khi thuế suất 0% được áp dụng, hàng của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan… dễ dàng vào Việt Nam, ngược lại hàng dệt may Việt Nam có thể phát triển ra toàn khu vực.

Sự bứt phá ngoạn mục về kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may những năm qua, đặc biệt trong thời điểm khủng hoảng kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu năm 2009 đạt 9,1 tỷ USD, 2010 đạt 10,5 tỷ USD và dự kiến đạt 13,5 tỷ USD năm 2011) đã cho thấy các doanh nghiệp đã nỗ lực để nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển sản xuất từ Đông Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ…cũng như kết hợp khai thác tối đa lợi thế từ các thị trường nhỏ, thị trường mới như Cuba, New Zeland, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ.

(Theo Vitas)

 

Nguồn:Vinanet