menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 01/4/2015

14:17 01/04/2015
Thái Lan: Xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm; Ecuador: Sản lượng cá ngừ vằn tăng gần gấp đôi; Ghana đặt mục tiêu sản xuất 100.000 tấn thủy sản; Năm 2015 Bangladesh sẽ sản xuất 3,5 triệu tấn thủy sản; Ngân hàng Thế giới phát triển thủy sản tại Mauritania và Guinea; FAO: thủy sản nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu;Trung Quốc cảnh báo cấm nhập khẩu cá hồi Na Uy.

Thái Lan: Xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm

XK cá ngừ hộp Thái Lan sang EU giảm 40% có thể đe dọa triển vọng kinh tế của Thái Lan. Là nước sản xuất cá ngừ hộp lớn nhất thế giới, XK cá ngừ hộp của Thái Lan sang EU năm 2014 giảm 40% xuống còn 368 triệu USD. EU đang áp thuế 24% đối với cá ngừ Thái Lan. Mặc dù nước này đang nỗ lực đàm phán thỏa thuận thương mại tự do FTA với EU tuy nhiên chưa thành công.

Thái Lan không thể mở rộng thương mại sang Mỹ và EU do khủng hoảng kinh tế ở các thị trường này đang ảnh hưởng tới XK của Thái Lan. Thái Lan đang cải thiện XK, tìm kiếm các thị trường mới và đổi mới sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thị trường EU chiếm 9-10% tổng XK cá ngừ hộp của Thái Lan trong khi Ả Rập và Mỹ cũng là các thị trường NK quan trọng. XK cá ngừ hộp Thái Lan sang 2 thị trường này năm 2014 tăng lần lượt 8 và 16%.

Ecuador: Sản lượng cá ngừ vằn tăng gần gấp đôi

Năm 2014, sản lượng khai thác cá ngừ vằn của Ecuador đạt 174.776 tấn, tăng so với 92.462 tấn của năm 2013. Năm 2014, sản lượng khai thác cá ngừ vằn của Ecuador đạt cao nhất trong 7 năm, kể từ năm 2007.

Trong khi sản lượng khai thác cá ngừ vằn của Ecuador tăng, tổng khối lượng cập cảng loài này ở phía đông Thái Bình Dương giảm 4,3% so với năm 2013. Các tàu của Ecuador chiếm 67% tổng sản lượng khai thác cá ngừ vằn của khu vực năm 2014.

Sản lượng cá ngừ vằn của Ecuador tăng sẽ đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến cá ngừ nội địa đang phát triển và nước này sẽ giảm NK nguyên liệu từ khu vực Trung Tây Thái Bình Dương, đồng thời tăng XK sang các thị trường nước ngoài. Đầu năm nay, EU thông qua quy định cho phép Ecuador hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất sang các nước EU ít nhất tới năm 2017.

Ghana đặt mục tiêu sản xuất 100.000 tấn thủy sản

Ghana đang đặt được mục tiêu đầy tham vọng là sản xuất 100.000 tấn thủy sản trong vài năm tới. Nước này có tiềm năng để nâng cao sản lượng thủy sản nuôi hiện tại để đóng góp nhiều hơn vào ngành thủy sản toàn cầu cũng như nâng cao chất lượng thủy sản trong nước.

Chính phủ Ghana cùng với FAO đang thúc đẩy việc thành lập các Trung tâm Phát triển Cộng đồng ở miền bắc và miền trung, phát triển các công ty mới và ngành xây dựng để thực hiện các hoạt động bền vững vì lợi ích của người dân và cộng đồng, chống lại đói nghèo, tăng cường an ninh lương thực.

Phát triển nông nghiệp và nông thôn là một cách để nước này thoát khỏi đói nghèo và mất an ninh lương thực. 

Năm 2015 Bangladesh sẽ sản xuất 3,5 triệu tấn thủy sản

Chính phủ Bangladesh đề ra mục tiêu sản xuất 3,5 triệu tấn thủy sản vào cuối năm 2015. Ngành thủy sản đóng góp 4,39% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bangladesh.

Nước này đã sản xuất 3,4 triệu tấn thủy sản với giá trị 500 tỷ Tk trong năm tài chính 2012-2013 (từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2013). Nếu Bangladesh đạt được mục tiêu sản xuất trong năm tài chính này, giá trị sản xuất thủy sản sẽ đạt 520 tỷ Tk.

Để tăng cường sản xuất thủy sản, chính phủ đã thành lập 120 trại sản xuất giống ở các khu vực khác nhau để đào tạo cho người dân và các chủ trại giống. Dự án bắt đầu từ năm 2012 với mục tiêu hiện đại hóa và phục hồi các trại giống nhằm đào tạo 20.000 chủ trại giống khu vực tư nhân vào năm 2021. Mục tiêu khác của dự án là cung cấp công nghệ hiện đại cho nông dân để tăng sản lượng thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước. Thủy sản là ngành kinh tế quan trọng, mang lại sinh kế cho 1,6 triệu người.

Ngân hàng Thế giới phát triển thủy sản tại Mauritania và Guinea

Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt 22 triệu USD để tăng cường quản lý nghề cá, cải thiện việc cá cập cảng tại Mauritania và Guinea. Đây là một phần của chương trình thủy sản Tây Phi (WARFP) với 9 quốc gia với hàng loạt các dự án được phê duyệt từ năm 2009. Theo USAID, mỗi năm Tây Phi có thể mất 1,3 tỷ USD do đánh bắt bất hợp pháp. Dự án sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực để cải thiện quản lý nghề cá khu vực, tập trung vào việc giảm đánh bắt cá bất hợp pháp, những thách thức chia sẻ khác. Bảo vệ tài nguyên và phát triển chuỗi giá trị thủy sản sẽ mở rộng sinh kế của người dân cũng là một bước tiến trong việc xóa đói giảm nghèo.

Tại Mauritania và Guinea, tăng trưởng không cao, nghèo đói và biến đổi khí hậu cũng là những thách thức cho nền kinh tế. Thủy sản có vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và tạo việc làm cho người dân. Nếu cải thiện ngành thủy sản thì mỗi năm có thể tạo ra 2 tỷ USD. Việc phát triển nghề cá, kết nối các doanh nghiệp nhỏ để tạo ra chuỗi giá trị mới và tăng cường hợp tác khu vực sẽ góp phần phục hồi kinh tế khu vực Tây Phi sau khủng hoảng Ebola.

FAO: thủy sản nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu

Đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của khu vực nhiệt đới sẽ bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu.

Thủy sản các khu vực này sẽ di chuyển đến vùng biển nước mát hơn nên ngư dân đánh bắt gần bờ sẽ không có hiệu quả. Khai thác giảm 40% trong khi các khu vực vĩ độ cao sẽ tăng sản lượng đánh bắt lên 30-70%.

Tổng sản lượng thủy sản sẽ tăng 20 triệu tấn lên 185 triệu tấn vào năm 2030, chủ yếu là do phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1970 đến 2010, nuôi trồng thủy sản tăng khoảng 8,3%. Nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong năm 2012, khoảng 11-12% dân số thế giới phụ thuộc vào nghề cá và nuôi trồng thủy sản.

Trung Quốc cảnh báo cấm nhập khẩu cá hồi Na Uy

Cá hồi Na Uy XK sang Trung Quốc gặp khó khăn từ khi giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010 được trao cho nhà hoạt động chính trị Lưu Hiểu Ba và hiện tại Trung Quốc lại giáng một đòn giáng mạnh vào thủy sản Na Uy. Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm NK toàn bộ cá hồi từ 3 vùng của Na Uy là Nordland, Troms và Trondelag từ 23/3/2015. Cá hồi từ 3 vùng này chiếm khoảng 20% lượng cá hồi Na Uy XK sang Trung Quốc năm 2014. Các vùng khác của Na Uy vẫn tiếp tục XK nhưng bắt đầu từ ngày 18/4, Trung Quốc yêu cầu cá hồi XK phải có giấy chứng nhận đảm bảo cá không có bệnh tuyến tụy (PD) và hoại huyết (ISA). Trung Quốc cũng đã cảnh báo rằng nước này sẽ tăng cường kiểm tra virus gây hoại huyết trong trong toàn bộ cá hồi NK từ Na Uy.

Hòa Phạm
Nguồn: Vinanet Tổng hợp