menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 07/4/2015

15:16 07/04/2015
Ấn Độ lỡ mục tiêu xuất khẩu thủy sản; 60 DN thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang Nga; Nhu cầu cá rô phi tăng ở Mỹ; FAO: Thế giới có thể thiếu 50 triệu tấn thủy sản vào năm 2030.

Ấn Độ lỡ mục tiêu xuất khẩu thủy sản

Trong những năm gần đây, XK thủy sản của Ấn Độ phát triển ngoạn mục chủ yếu nhờ tôm chân trắng. Từ tháng 4/2014 đến tháng 1/2015, Ấn Độ XK 835.000 tấn thủy sản (tăng 4,9%), đạt giá trị 4,72 tỷ USD (tăng 11,7%). Tuy nhiên theo Cục Xúc tiến XK Thủy sản Ấn độ (MPEDA), với đà tăng trưởng này, tính đến cuối năm tài chính này (tháng 4/2014 đến tháng 3/2015), XK thủy sản Ấn Độ sẽ đạt 5,5 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu 6 tỷ USD đề ra trước đó.

Tôm đông lạnh hiện chiếm 1/3 về khối lượng và 2/3 về giá trị XK thủy sản. Khối lượng tôm chân trắng XK tăng 17%, kim ngạch XK tăng đến 20%. Tôm chân trắng tiếp tục là mặt hàng chủ lực, chiếm 80% tổng khối lượng tôm đông lạnh XK của Ấn Độ. 

Năm 2014, giá cả trên thị trường toàn cầu biến động nên Ấn Độ khó thực hiện được mục tiêu XK thủy sản đạt 6 tỷ USD. Giá tôm sú giảm mạnh cuối năm 2014 nên mặc dù khối lượng tôm tăng, giá trị không tăng nhiều. Trong khi đó, XK cá khô và đông lạnh tăng trưởng âm. XK mực giảm 23,35% về khối lượng và 28% về giá trị.

60 DN thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang Nga

Nafiqad cho biết hiện cả nước có 60 doanh nghiệp (DN) thủy sản có nhu cầu xuất khẩu vào Liên bang Nga và Liên minh Hải quan.

Số DN này đã được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) rà soát, thẩm tra đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản của Việt Nam và Liên minh Hải quan.

Ngoài 60 DN này, có 40 DN khác được Nafiqad rà soát đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhưng chưa có hợp đồng với nhà nhập khẩu Nga. Do chưa được phép xuất khẩu thủy sản vào Nga nên việc tìm kiếm khách hàng và ký hợp đồng đối với các DN này rất khó khăn.

Nafiqad đã gửi văn bản tới Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS), đề nghị phía Nga xem xét chấp thuận để 60 DN đủ điều kiện trên xuất khẩu vào Liên bang Nga nếu kết quả kiểm tra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam đạt yêu cầu.

Nhu cầu cá rô phi tăng ở Mỹ

Nhu cầu cá rô phi có xu hướng tăng ở Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới của loài cá này, Kevin Fitzsimmons, chuyên gia cá rô phi và giáo sư tại Đại học Aizona cho biết.

Mỹ đang là ông vua tiêu thụ cá rô phi trên thế giới. Nước này nhập khẩu hơn 630.000 tấn cá năm ngoái, tăng so với gần 466.000 tấn trong năm 2009.

Mỹ nhập khẩu khối lượng đáng kể từ 20 quốc gia, trong đó Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất.

Cá rô phi là loại thủy sản phổ biến thứ 4 ở Mỹ sau tôm, cá hồi, cá ngừ, cá thịt trắng và là loài thủy sản phổ biến thứ 2 ở các cửa hàng, chỉ sau cá hồi.

Khi thủy sản khai thác ngày càng đắt đỏ hơn, người dân đang có xu hướng thay thế bằng cá rô phi, do đó doanh số bán hàng ngày càng tăng, ông Kevin cho biết.

Đặc biệt, loài cá này trở nên phổ biến ở các cơ quan như trường học, bệnh viện do chất lượng đồng đều và giá cả ổn định.

FAO: Thế giới có thể thiếu 50 triệu tấn thủy sản vào năm 2030

Thế giới đang phải đối mặt với việc thiếu hụt thủy sản nếu xu hướng cung cầu hiện nay vẫn không thay đổi, Rohana Subasinghe, Phòng Thủy sản của Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc cho biết.

Ước tính, lượng thủy sản thiếu hụt có thể đạt khoảng 50 triệu tấn trong năm 2030. Để giải quyết sự thiếu hụt này, thế giới cần cải thiện quản lý thủy sản, tăng tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, giảm rác thải thủy sản và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ước tính có thể cải thiện được khoảng 30% nghề khai thác thủy sản tự nhiên.

Tăng trưởng nuôi trồng thủy sản sẽ cần bao gồm việc phát triển bền vững ở châu Á, quản lý và kiểm soát chính sách tốt hơn ở châu Phi và phát triển bền vững và đa dạng hóa loài và phương pháp thực hiện ở Mỹ Latinh.Trong khi đó, dịch bệnh khiến ngành nuôi trồng thủy sản tiêu tốn khoảng 6 tỉ USD/năm, nghĩa là an toàn sinh học đang có vai trò rất quan trọng.

Ông Rohana cho biết thêm biến đổi khí hậu dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản trong thập kỷ tới. Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản bao gồm tỉ lệ tăng trưởng và lựa chọn loài, ngoài ra còn ảnh hưởng đến nghề khai thác tự nhiên.

Về giảm lãng phí thủy sản, ông cho biết ¼ bột cá hiện đang được làm sử dụng rác thải chế biến thủy sản và khái niệm không lãng phí hiện đang được áp dụng trong sản xuất các loài nuôi trồng thủy sản.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp