menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 11/3/2015

16:27 11/03/2015
Nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ giảm năm 2014; Mỹ: Xuất khẩu surimi sang Tây Ban Nha tăng gấp đôi năm 2014; Thị trường cá tuyết Mỹ ổn định; Trung Quốc đứng đầu về xuất khẩu cá minh thái sang Nga; EU: Nhập khẩu thủy sản tăng do sản lượng giảm và mức tiêu thụ tăng; Giá cá ngừ Indonesia tăng do các biện pháp cứng rắn đối với IUU.

Nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ giảm năm 2014

Năm 2014, NK cá ngừ vào Mỹ đạt 285 nghìn tấn, trị giá 1,63 tỷ USD, tăng 5% về khối lượng tuy nhiên giảm 4% về giá trị so với năm 2013.

Mỹ hiện NK cá ngừ từ 65 nước trên thế giới trong đó Thái Lan là nhà cung cấp cá ngừ lớn nhất cho Mỹ với 110 nghìn tấn, trị giá 499 triệu USD, chiếm 30,6% giá trị NK cá ngừ vào Mỹ. Tiếp đến là Trung Quốc, Phillipines, Việt Nam, Indonesia và Ecuador.

Việt Nam đứng thứ 3 chiếm 8,7% tổng giá trị NK cá ngừ vào Mỹ. Giá trung bình XK cá ngừ Thái Lan sang Mỹ đạt 4.539 USD/tấn trong khi giá XK cá ngừ Việt Nam sang Mỹ cao hơn với 5.865 USD/tấn. Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh về giá đối với Thái Lan.

Tổng giá trị XK cá ngừ trong cả năm 2014 của Việt Nam sang Mỹ đạt 175 triệu USD, giảm 6,5%.

Mỹ là thị trường NK lớn nhất cá ngừ của Việt Nam, là thị trường NK đơn lẻ lớn nhất đối với phân khúc cá ngừ tươi, sống, đông lạnh và đóng hộp.

Tuy nhiên, XK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường này giảm gần 14% so với năm 2013, đạt gần 75 triệu USD. Trong khi đó, XK thăn cá ngừ đông lạnh tăng gần 40%, đạt hơn 48 triệu USD. Hai dòng sản phẩm còn lại cũng giảm.

Nguyên nhân do các DNXK cá ngừ của Việt Nam đang phải chịu áp lực về thuế cao hơn so với các nước đối thủ. Mức thuế hiện đang áp dụng với cá ngừ đóng hộp của Việt Nam là 10,1% trong khi Ecuador chỉ có 7,6% và các nước ASEAN khác là 9,2%, làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam.

Mỹ: Xuất khẩu surimi sang Tây Ban Nha tăng gấp đôi năm 2014

Theo Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS), tổng XK surimi cá minh thái Alaska ổn định trong năm 2014 với Mỹ XK 161.363 tấn, trị giá 372 triệu USD, giảm nhẹ 0,3% về khối lượng và 2,8% về giá trị so với năm 2013.

Năm 2014, các nước khác tăng NK surimi cá minh thái từ Mỹ. Trong đó, Tây Ban Nha tăng NK 95% từ 2.438 tấn lên 4.744 tấn. Giá trị XK cũng tăng 117% từ 4,7 triệu USD lên 10,2 triệu USD.

Thị trường cá tuyết Mỹ ổn định

Thị trường cá tuyết ổn định nhưng do đánh bắt chậm nên giá có thể sẽ tăng lên. Tính đến ngày 15/2/2015, sản lượng cá tuyết biển Barents tại Na Uy là 53.000 tấn, giảm 54% so với cùng kỳ. Sản lượng tại Nga chỉ đạt 23.000 tấn, giảm 39%. Trong khi đó, sản lượng của Mỹ đạt 70.000 tấn, giảm 17%.

Nhu cầu cá tuyết Thái Bình Dương câu vàng ở Trung Quốc giữ ở mức cao. Trung Quốc chế biến cá và sau đó tái XK sang các thị trường khác. Hiện nay, khi đồng yên và euro suy yếu, Trung Quốc chủ yếu tái chế biến phục vụ thị trường Bắc Mỹ.

Nhật Bản vẫn là thị trường cá tuyết lớn nhất, chiếm 40% tổng tiêu thụ mặt hàng này. Mỹ tăng lên mức 30%, từ mức 10% để trở thành thị trường lớn thứ 2. Thị trường châu Âu chỉ chiếm 15% (giảm từ mức 40% của 4 năm trước), ngang bằng với Trung Quốc. 

Trong 2 tháng cuối năm 2014, XK cá tuyết của Mỹ tăng 8,2% lên mức 14.809 tấn. Tính cả năm, nước Mỹ XK 107.240 tấn cá tuyết, tăng 5,4% so với năm 2013 nhưng giảm 3% so với năm 2012.

Trung Quốc đứng đầu về xuất khẩu cá minh thái sang Nga

Trung Quốc trở thành nước XK cá minh thái hàng đầu của Nga sau khi Nga cấm NK thực phẩm từ các nước.

Khối lượng cá minh thái NK từ Trung Quốc sang Nga tăng 182% trong năm 2014 để bù đắp sự thiếu hụt do lệnh cấm NK thực phẩm từ Canada và Mỹ, vốn là 2 nước XK cá minh thái lớn nhất của Nga trong năm 2013.

Trung Quốc đã thay thế Canada trở thành nước XK cá minh thái đầu sang Nga trong khi Ecuador soán vị trí thứ 2 của Mỹ với mức tăng 106%.

Xuất khẩu tôm Ấn Độ sẽ đạt 17 tỉ USD trong năm 2017

Xuất khẩu tôm đông lạnh của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt gần 17 tỷ USD vào năm 2017, nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) vẫn kêu gọi đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ.

Hiệp hội cho biết, mặc dù tiềm năng sản xuất tôm là rất lớn nhưng ước tính chỉ có 8,5% (1 vạn ha) trong tổng diện tích 11 triệu ha nước lợ là dành cho nuôi tôm .

Xuất khẩu tôm Ấn Độ trong 2013-14 đạt 301.435 tấn, trị giá 3,21 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu tôm nuôi tăng 31,85% so với cùng kỳ.

Theo nghiên cứu, xuất khẩu trong những năm tới dự đoán sẽ tăng 36,71%.

EU: Nhập khẩu thủy sản tăng do sản lượng giảm và mức tiêu thụ tăng

Do sản lượng thủy sản thủy sản giảm và mức tiêu thụ tăng, nên EU đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn thủy sản nhập khẩu. EU là nhà nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới với 8,38 triệu tấn, chiếm 24% giá trị giao dịch. Trong 4 năm qua, nhập khẩu thủy sản tại EU đã tăng khoảng 22%, đạt 19,2 tỉ euro. Giáp xác là mặt hàng nhập khẩu chính chiếm 19% tổng giá trị nhập khẩu.

Đến nay, Na Uy hiện là nước xuất khẩu chính với 20% giá trị và khối lượng, cùng với Aixơlen và quần đảo Faroe Islands, chiếm gần1/3 tổng nhập khẩu của EU.

Nhập khẩu từ Trung Quốc đứng thứ 2, trong đó phần lớn thủy sản chế biến dạng phi lê, đặc biệt là cá minh thái, cá tuyết và cá hồi có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc.

Giá cá ngừ Indonesia tăng do các biện pháp cứng rắn đối với IUU

Ngành cá ngừ Indonesia đang chuẩn bị gặt hái thành quả nhờ những nỗ lực ngăn chặn các biện pháp khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) của chính phủ được triển khai gần đây.

Giá cá ngừ Indonesia tăng 12,8% trong thời gian qua.Việc khan hiếm cá ngừ và giá tăng là do động thái cứng rắn của chính phủ đối với tình trạng khai thác IUU, đặc biệt thông qua tạm ngừng gia hạn giấy phép cho các tàu khai thác ở nước ngoài và lệnh cấm quá cảnh trên biển.

Một số trung tâm khai thác cá ngừ ở Philippin và Thái Lan có nguồn cung thấp, khiến các nhà nhập khẩu từ Mỹ, EU và Nhật Bản tăng cường mua cá ngừ từ Indonesia.

Xuất khẩu cá ngừ tươi có mức giá tối đa 5-7 US/kg trong khi cá ngừ đông lạnh được bán với giá 3-4 USD/kg. 

Nguồn: Vinanet Tổng hợp