menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 14/4/2015

16:48 14/04/2015
Xuất khẩu cá ngừ sang Đức tăng nhẹ; Mexico tấn công thị trường tôm Mỹ; Indonesia: Xuất khẩu cá da trơn giảm; Ngư dân Maine hưởng lợi từ điệp; Xuất khẩu thủy sản Pakistan giảm; Giá thủy sản tại Nga tăng sau lệnh cấm của Chính phủ; Lợi nhuận của Thai Union sẽ tăng 66% nhờ thương vụ mua lại Bumble Bee.

Xuất khẩu cá ngừ sang Đức tăng nhẹ

Từ 2009 đến 2014, Đức luôn là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đồng thời là thị trường NK đơn lẻ lớn thứ 2. Đức chiếm 9% tổng XK cá ngừ của Việt Nam. Năm 2014, XK sang thị trường này tăng giảm thất thường. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ sang Đức đều tăng, tháng 1 tăng 11%, tháng 2 tăng chậm lại 0,8%.

Theo Hải quan Việt Nam, tính tới 15/3/2015, XK cá ngừ Việt Nam sang Đức đạt 7,4 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó cá ngừ hộp là sản phẩm XK chính với 6,2 triệu USD, chiếm 84% tổng XK cá ngừ Việt Nam sang đây.

Đức là thị trường NK cá ngừ hộp lớn thứ 6 trên thế giới. Do không có ngành khai thác hay chế biến cá ngừ, thị trường cá ngừ Đức phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ cá của người Đức ngày càng tăng, nhất là đối với các sản phẩm chế biến sẵn, nên nhu cầu NK cá ngừ đóng hộp của nước này ngày càng tăng.

Giá XK cá ngừ Việt Nam sang Đức thấp nhất (3.645 USD/tấn trong năm 2014) so với các đối thủ cạnh tranh nên Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá khi XK sang Đức. Giá XK của Ecuador sang thị trường này cao nhất với 5.045 USD/tấn.

Tuy nhiên, Việt Nam cùng với Philippines, Indonesia, Tây Ban Nha, Thái Lan vẫn phải chịu thuế 20,5-24% khi XK cá ngừ hộp vào EU nói chung và Đức nói riêng. Ecuador có giá XK vào Đức cao nhưng lại được hưởng ưu đãi thuế XK 0% cùng với lợi thế về đội tàu và nguồn lợi khai thác.

Đến nay do Hiệp định FTA Việt Nam – EU chưa được ký kết nên các mặt hàng của Việt Nam XK sang Đức được áp dụng theo cam kết của Việt Nam với WTO. Ngoài ra, Liên minh châu Âu, trong đó Đức là một thành viên, dành cho Việt Nam thuế ưu đãi đơn phương GSP cho giai đoạn mới có hiệu lực từ đầu năm 2014, tuy nhiên, mức thuế được áp dụng sau khi Hiệp định FTA Việt Nam – EU được ký kết sẽ ưu đãi toàn diện, ổn định hơn.

Mexico tấn công thị trường tôm Mỹ

Công ty Grupo Aquicola Mexicano (GAM) dự kiến tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2016 với nhu cầu một số khách hàng lớn từ Mỹ như Walmart và Costco.

GAM dự kiến sản xuất 12.000 tấn tôm vào năm 2015 và 16.000 tấn vào năm 2016. Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới và công ty đặt mục tiêu tập trung vào thị trường này trong 5 năm tới.

Công ty này sẽ bắt đầu tiếp cận chuỗi bán lẻ tại các siêu thị lớn như Walmart và mở văn phòng tại Los Angeles vào tháng 9/2015.

Đây là một dự án lớn của GAM và công ty này dự kiến sẽ bán được 1.500 tấn tôm thông qua văn phòng ở California trong 6 tháng cuối năm nay. Năm 2016, công ty phấn đấu bán được 4.000 tấn. Dự kiến với mức tăng khoảng 20% thì sản lượng cá da trơn của nước này trong năm 2014 ước đạt khoảng 320 ngàn tấn.

Indonesia: Xuất khẩu cá da trơn giảm

Indonesia đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cá da trơn để đạt mục tiêu trở thành nước sản xuất cá da trơn hàng đầu thế giới. Giống như khu vực sông Mê Kông của Việt Nam, Indonesia cũng có sông Batanghari chảy qua Jambi, khu vực có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất cá da trơn lớn nhất nước này. Với lợi thế về mạng lưới sông, hồ, ao nuôi và nguồn cá, Indonesia sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ kỹ thuật để tăng sản lượng nuôi loài cá này.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản Indonesia, sản lượng cá da trơn của nước này trong năm 2013 đạt 268.828 tấn, trong đó tỉnh có sản lượng nuôi nhiều nhất là tỉnh Sumatera Selatan, tiếp theo là tỉnh Jambi. Dự kiến với mức tăng khoảng 20% thì sản lượng cá da trơn của nước này trong năm 2014 ước đạt khoảng 320 ngàn tấn.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất và XK cá da trơn của Indonesia vẫn rất nhỏ lẻ. Thậm chí, XK cá da trơn của Indonesia đang có xu hướng sụt giảm về khối lượng trong những năm vừa qua. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) năm 2012 Indonesia XK 106 tấn phile cá da trơn đông lạnh (mã HS 030462) nhưng đến năm 2013 khối lượng XK giảm xuống còn 88 tấn. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ, trong năm 2010 Mỹ NK 92,2 tấn cá da trơn từ Indonesia và năm 2011 Mỹ NK 10,8 tấn cá da trơn từ Indonesia. Nhưng từ năm 2012 đến nay, Indonesia không XK cá da trơn sang thị trường Mỹ.

Ngư dân Maine hưởng lợi từ điệp

Năm 2014, trung bình mỗi ngư dân có thu nhập 7,460 triệu USD. Đây là mức cao thứ 2 trong vòng 30 năm qua.

Sản lượng điệp tăng gấp 6 lần từ 78.335 pao lên 584.000 pao. Tuy mức tăng này không phải là quá cao nhưng giá trung bình tăng lên mức kỷ lục là 12,78 USD/pao. Do đó, doanh thu từ điệp tăng vọt. Năm nay, giá điệp còn có thể tăng lên mức 13 USD/pao.

Xuất khẩu thủy sản Pakistan giảm

Thời tiết lạnh kéo dài làm sản lượng thủy sản khai thác giảm, qua đó, XK giảm đến 18,33% trong tháng 2.

Tháng 2/2015, XK thủy sản Pakistan đạt 19,267 triệu USD, giảm 4,324 triệu USD, tương đương với mức giảm 18,33% so với cùng kỳ. Về khối lượng, XK thủy sản đã giảm 29%, đạt 7.822 tấn. Từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2015, XK thủy sản giảm 1,35% xuống còn 221,050 triệu USD. Khối lượng XK thủy sản giảm 1,29% xuống còn 88.911 tấn.

Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, nhiều người đổ lỗi cho chính phủ khi không thực hiện các quy định giảm lạm thác nên sản lượng thủy sản giảm.

Giá thủy sản tại Nga tăng sau lệnh cấm của Chính phủ

Ilya Shestakov, chủ tịch Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga cho biết giá thủy sản của Nga đã tăng 30% kể từ khi nước này ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây.

Giá thực phẩm tăng, nhất là thịt, cá và hoa quả và rau, đã làm tăng giá tiêu dùng do đồng rup xuống giá mạnh trong năm 2014 và lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Kremlin, hành động trả đũa các lệnh trừng phạt của Matxcơva đối với cuộc khủng hoảng Ucraina. Trong đó, giá cá hồi, cá trích và cá minh thái tăng nhiều nhất.

Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Nga bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm vận. Trước lệnh cấm, Na Uy là nhà cung cấp cá hồi chính sang Nga và các công ty khai thác Xcôtlen xuất khẩu rất nhiều cá trích sang các cảng phía bắc Nga.

Do vậy nên nhập khẩu thủy sản của Nga đã giảm 12,8% trong năm 2014, Shestakov cho biết. Sản lượng thủy sản trong nước cung cấp gần 80% cho thị trường Nga.Nga sẽ đầu tư 400 triệu rup để trợ cấp lãi suất đối với ngành thủy sản trong năm nay.

Lợi nhuận của Thai Union sẽ tăng 66% nhờ thương vụ mua lại Bumble Bee

Nhà phân tích đầu tư Asia Plus Securities cho biết việc hoàn thành thương vụ mua lại Bumble Bee Foods có thể làm tăng lợi nhuận của Thai Union Frozen lên gần 66% trong năm 2016. Trong khi đó, dự báo lợi nhuận thuần của công ty trong quý 1/2015 tăng 18,7% so với cùng kỳ và tăng 61,5% so với quý trước.

Ngoài ra, giá nguyên liệu cá ngừ thấp 1.200 USD trung bình/tấn trong quý 4/2014, giảm 23,9% so với quý 3, sẽ có lợi cho kinh doanh cá ngừ của TUF trong quý này, vì giá sản phẩm trung bình sẽ vẫn giữ nguyên đưa hệ số biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2015 tăng 15%.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep.com.vn