menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 15/4/2015

15:35 15/04/2015
Tại sao giá rô phi không theo chu kỳ?; Người nuôi tôm Thái Lan và Mêhicô đang chịu bán lỗ; Trung Quốc: Giá tôm sẽ không tăng trong cả năm 2015; FDA từ chối nhiều lô hàng tôm nhập khẩu trong tháng 3; Tôm nuôi Brazil hướng nội.

Tại sao giá rô phi không theo chu kỳ?

Sản xuất cá rô phi phát triển nhanh cùng với nhu cầu, nhưng giá cá lại không tăng giảm nhiều như tôm hay cá hồi. Một trong những nguyên nhân là do nguồn cung và nhu cầu cá rô phi đều tăng.

Hàng năm, cả thế giới sản xuất được 4,480 triệu tấn cá rô phi. Cá rô phi được sản xuất ở hơn 140 nước. Trung Quốc là nguồn cung cấp cá rô phi lớn nhất, tiếp đó là Ai Cập, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Mỹ Latin, Trung Đông và Ghana. Bản thân các nước này cũng là thị trường tiêu thụ. Mặc dù ban đầu hướng đến XK sang Mỹ nhưng các trại nuôi ở Philippines, Brazil và Mexico đang phục vụ nhu cầu người dân nước sở tại. Nếu thị trường trong nước không ổn định thì họ sẽ XK và ngược lại, nếu thị trường quốc tế bất ổn, họ sẽ quy về với thị trường trong nước.

Nếu nhu cầu toàn cầu tăng, nông dân tăng sản lượng cá nên giá cả cá rô phi đông lạnh vẫn không đổi so với 25 năm trước, trong khi giá cá tươi tăng khoảng 0,50 USD/kg. Giá philê cá rô phi tươi tăng ổn định nhưng không thay đổi nhiều.

Người nuôi tôm Thái Lan và Mêhicô đang chịu bán lỗ

Người nuôi tôm ở Thái Lan đang gặp khó khăn do giá tôm giảm xuống mức thấp hơn chi phí sản xuất. Sau khi giảm mạnh tại hội chợ thủy sản Boston, giá tôm Thái Lan bắt đầu tăng nhưng hiện đang giảm trở lại.

Giá tôm cỡ 60 con/kg hiện là 4,91 USD, khá cao, nhưng Thái Lan chủ yếu chỉ có tôm cỡ 100. Ngày 9/4, tôm cỡ 100 có giá là 3,07 USD/kg, giảm 15% trong 2 ngày.

Ở Mêhicô, chi phí sản xuất cao hơn nhiều do giá trị đồng USD tăng, giá thành phần thức ăn tăng và giá giống cũng tăng khoảng 20%.

Trung Quốc: Giá tôm sẽ không tăng trong cả năm 2015

Theo các nhà quan sát thị trường ở Trung Quốc, giá tôm chân trắng có thể sẽ không tăng vào cuối năm do nhu cầu thị trường sụt giảm.

Trong tháng này, giá tôm đã giảm nhiều lần sao với tháng trước. Giá tôm ở khu vực sông Châu Giang đã giảm khoảng 3-6 nhân dân tệ/ jin (1jin = 0,5 kg), giá tôm ở Zhangpu đã giảm khoảng 2-8 nhân dân tệ/jin, giá tôm ở Qishui đã giảm khoảng 1-2 nhân dân tệ/jin và giá tôm ở Hải Nam đã giảm 4-5 nhân dân tệ/jin. Doanh thu tôm bị ảnh hưởng bởi lượng hàng tồm kho vẫn còn nhiều.

FDA từ chối nhiều lô hàng tôm nhập khẩu trong tháng 3

Số lô hàng NK tôm bị từ chối trong quý 1/2015 lớn hơn tổng số lô hàng bị từ chối từ năm 2002 tới năm 2013.

Tháng 3/2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từ chối hơn 1/3 trong số 155 lô hàng tôm nhập khẩu do tồn dư lượng kháng thuốc kháng sinh, nâng tổng số các lô hàng tôm bị từ chối từ đầu năm đến nay lên con số 140.

Nếu FDA vẫn tiếp tục từ chối lô hàng nhập khẩu tôm theo tốc độ hiện nay, chỉ dưới mức 47 lô hàng/ tháng, thì con số kỷ lục 208 lô hàng bị từ chối của năm ngoái sẽ bị vượt qua vào tháng 5/2015.

Tôm nuôi Brazil hướng nội

Những năm gần đây, các nhà sản xuất tôm ở Brazil không còn mặn mà với thị trường ngoại mà quay về phục vụ thị trường nội. Năm 2004, Brazil đã chuyển hướng thành công từ xuất khẩu tôm đông lạnh sang tiêu thụ nội địa, đồng thời tập trung vào lĩnh vực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.

Thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã trở thành rào cản lớn với tôm Brazil và 5 nước khác. Ngoài ra, đồng real Brazil mất giá cùng với sự xuất hiện của virus gây bệnh hoại tử cơ cũng giáng một đòn nặng nề vào ngành tôm Brazil và chặn đứng đường "xuất ngoại" của tôm. Trước đó, Brazil xuất khẩu gần 78% sản lượng tôm nuôi.

Ngành tôm nuôi Brazil vốn được xây dựng theo tiêu chuẩn riêng, nhằm phục vụ thị trường Mỹ và châu Âu. Từ trại nuôi tới nhà máy chế biến đều hoạt động theo tiêu chuẩn chất lượng do Mỹ và EU yêu cầu. Brazil chú trọng sản xuất tôm đông lạnh nguyên đầu cho thị trường EU và tôm đông lạnh bỏ đầu cho thị trường Mỹ. Nhưng khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá, đồng real Brazil rớt giá, xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Lúc đó, thị trường nội địa trở thành thị trường thay thế tiềm năng nhất, bởi không có nhiều rào cản, chi phí vận chuyển ít tốn kém, thanh toán dễ dàng. Để phục vụ thị trường nội địa, các nhà sản xuất cũng đã nhanh chóng chuyển sang mặt hàng tôm cấp đông nhanh nguyên con (IQF) để cung cấp cho các kênh bán lẻ lớn trên cả nước.

Từ năm 2006, thị trường nội địa trở thành thị trường thay thế tiềm năng, tiêu thụ 53% tổng sản lượng tôm nuôi. Những năm gần đây, nền kinh tế Brazil tăng trưởng tốt, tác động tích cực tới sức mua của người tiêu dùng nên giá các mặt hàng tôm nuôi cũng cạnh tranh hơn. Hàng loạt công ty cung cấp tôm bắt đầu mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng nội địa.

Đối mặt nhiều khó khăn suốt một thập kỷ, ngành công nghiệp tôm nuôi Brazil đang lớn mạnh từng ngày nhờ vào thị trường nội địa. Các phương pháp sản xuất, nuôi tôm đang hướng tới an toàn sinh học, tăng yếu tố kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất sâu trong nội địa - nơi chỉ sử dụng nguồn nước sạch hoặc nước lợ nhạt. Nhiều địa phương đã nuôi đa canh, nuôi ghép rô phi và gia tăng sản phẩm tôm sinh thái. Dự tính, tổng sản lượng tôm Brazil năm 2015 đạt 110.000 tấn. Nếu dựa trên sản lượng trung bình, Brazil hoàn toàn có thể đạt vị trí hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực tôm nuôi.

Năm 2013, tổng sản lượng tôm Brazil 85.000 tấn. Năm 2014, sản lượng tăng lên 100.000 tấn. Diện tích nuôi tôm tăng mạnh ở các khu vực sâu trong nội địa, nơi phải sử dụng tới nguồn nước lợ nhạt kết hợp các biện pháp thực hành quản lý hiệu quả và an toàn sinh học.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep.com.vn, vietfish.org, thuongmai.vn