menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 16/4/2015

14:07 16/04/2015
Mỹ: Phát hiện chất diệt nấm gây bệnh trên trứng cá da trơn; Namibia: Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn; Mexico: Thị trường cá tra tiềm năng nhất Mỹ Latinh;Na Uy: Sản lượng cá hồi tăng nhưng giá chưa giảm; Nhu cầu thủy sản British Columbia - Canada tăng; Tây Ban Nha yêu cầu dừng nhập khẩu cá ngừ châu Á thuế suất 0%.
Mỹ: Phát hiện chất diệt nấm gây bệnh trên trứng cá da trơn

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa phát hiện một loại chất diệt trùng có khả năng tiêu diệt nấm gây bệnh trên trứng cá da trơn.

Hóa chất này là hỗn hợp peracetic acid (dấm cô đặc) và hydrogen peroxide (chất xử lý bệnh trên trứng cá). Axit peracetic không tạo ra dư lượng có hại nào cho cá con hoặc môi trường. Ở liều thấp, nó nhanh chóng bị phá vỡ thành dư lượng vô hại. USDA đã đánh giá hiệu quả 5 nồng độ axit peracetic: 2,5; 5; 10; 15 và 20 ppm trong việc ngăn ngừa nấm phát triển trên trứng cá. Sự phát triển của nấm khá nghiêm trọng ở nhóm không được điều trị, dẫn đến tỉ lệ sống 11% so với 60% ở nhóm điều trị với nồng độ thấp 2,5 ppm. USDA cũng đang nghiên cứu độc tính trên cá khác, nhằm đảm bảo hợp chất này an toàn trước khi điều trị.

Namibia: Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn

Namibia đang đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản thông qua nhiều dự án hợp tác nước ngoài.

Quốc gia này đang xây dựng trại nuôi cá Fonteintjie ở miền Nam, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các ao nuôi tại Trung tâm nuôi trồng thủy sản nội địa Hardap. Quốc gia này cũng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, Cuba trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Theo Bernard Esau, Bộ trưởng Thủy sản, nhờ các chuyên gia Việt Nam, sản xuất thủy sản có nhiều bước chuyển biển tích cực (giảm tỷ lệ cá tra, basa giống bị chết, năng suất tăng cao). Cuối năm 2014, Chính phủ Namibia đã đặt mục tiêu đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.        

Mexico: Thị trường cá tra tiềm năng nhất Mỹ Latinh

Theo VASEP, trị giá nhập khẩu cá tra Việt Nam của Mexico năm 2014 đạt 115,24 triệu USD (tăng 17% so cùng kỳ 2013).

Mexico là một trong 8 nhà nhập khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam. Fillet cá tra đông lạnh xuất khẩu sang Mexico tăng trưởng tích cực dù giá trung bình chỉ 2,1 USD/kg, thấp hơn giá năm 2013. Trong các mặt hàng fillet cá thịt trắng, cá tra nằm trong danh mục hàng hóa nhập khẩu quan trọng nhất, tiếp theo là cá rô phi và cá minh thái Alaska. Giá cá tra tại Mexico thấp hơn giá cá rô phi. Mexico cũng tiến hành mở rộng và phát triển nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn quốc tế trong những năm gần đây. Đây cũng là quốc gia đầu tiên có trại nuôi cá rô phi đạt chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất - BAP do Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu cấp. Trong khối Mỹ Latinh, Mexico có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất. Các sản phẩm nhập khẩu từ châu Á chiếm 30% tổng sản lượng hàng hóa nhập khẩu của Mexico. Nhiều chuyên gia nhận định, Mexico sẽ vượt Brazil, trở thành nền kinh tế phát triển nhất khu vực Mỹ Latinh vài thập kỷ tới.

Na Uy: Sản lượng cá hồi tăng nhưng giá chưa giảm

Cá hồi nuôi có cỡ cao kỷ lục là 5,12 kg/con, tăng 5% so với năm trước, nên tổng sản lượng sẽ tăng so với dự kiến. Nguyên nhân được đưa ra là do Na Uy cho phép người dân tăng diện tích nuôi cá biển.

Khối lượng thu hoạch tăng cũng có nghĩa là chi phí trung bình cho mỗi pao cá giảm. Khi các yếu tố khác đều giữ nguyên thì sản lượng cao gây áp lực về giá.

Người thu mua mua theo khối lượng chứ không mua theo con. Với trọng lượng trung bình của mỗi con cá cao hơn, sẽ có nhiều cá bị để lại, để thu hoạch sau. Khi đó áp lực lên giá lại tăng.

Trong khi đó, giá cá hồi ổn định hoặc có thể tăng nhẹ trong tuần tới. Giá ổn định ở mức khoảng 39,5 - 40 NOK /kg ở miền bắc Na Uy, và 40,50-41 NOK / kg ở miền Nam. Giá cá 6 kg trở lên thấp hơn khoảng 1 NOK. Cá hồi XK sang châu Âu tăng trưởng tốt.

Nhu cầu thủy sản British Columbia - Canada tăng

XK thủy sản tăng nhờ tăng cường XK vào thị trường châu Á. Giá trị XK cua sang Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông tăng 26% năm 2012 và tăng 25% năm 2013 và tăng trên 12% trong năm 2014. XK cá hồi nuôi lần đầu tiên tăng trong ba năm, lên mức 255 triệu USD.

XK nông thủy sản British Columbia tăng liên tiếp trong 5 năm, đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2014 .

Cá hồi nuôi Đại Tây Dương, cá hồi đỏ và cua là 3 mặt hàng thủy sản có kim ngạch XK hàng đầu.

Lãnh đạo British Columbia tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua các cơ quan đại diện thương mại và mạng lưới 13 văn phòng thương mại trên toàn châu Á.

XK thực phẩm hỗ trợ chế biến bao gồm nấm men, protein cô đặc, bột và hương liệu sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và Đài Loan tăng từ 141 triệu USD năm 2011 lên 253 triệu USD năm 2014.

Mỹ vẫn là thị trường XK thực phẩm lớn nhất với giá trị 2,04 tỷ USD, tăng 12%, XK thực phẩm sang Nhật Bản đạt 199 triệu USD, tăng 17% và sang Trung Quốc đạt 264 triệu USD, tăng 16%.

Tây Ban Nha yêu cầu dừng nhập khẩu cá ngừ châu Á thuế suất 0%

Liên đoàn Thủy sản Tây Ban Nha (CEPESCA) đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) dỡ bỏ việc nhập khẩu 22.000 tấn thăn cá ngừ thuế suất 0% từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

CEPESCA cho rằng sẽ có đủ nguyên liệu cá ngừ để cung cấp cho ngành chế biến đồ hộp châu Âu từ các đội tàu khai thác khai thác của những nước có thoả thuận ưu đãi với EU và từ những nước không được hưởng thuế sản phẩm.

Cơ quan này cho biết các đội tàu của các công ty Tây Ban Nha đã khai thác 566.000 tấn cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to.

Theo số liệu do CEPESCA cung cấp, giá thăn cá ngừ đã giảm 53,33% kể từ tháng 9/2013, từ 1.800 euro/ tấn xuống 840 euro/tấn.

Đại diện các chủ tàu địa phương lo ngại về việc bán cá ngừ đông lạnh nguyên con tại các thị trường nước ngoài vì họ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước thứ ba, CEPESCA cho biết.

Theo CEPESCA, các nước như Mauritius hoặc Êcuađo, và châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương nằm trong chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP +), cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập của thịt cá ngừ từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam .

Hòa Phạm
Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep.com.vn, vietfish.org