menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 19/3/2015

14:32 19/03/2015
Sản lượng tôm của Mêhicô đang phục hồi; Indonesia sẽ không cấp giấy phép mới cho tàu cá nước ngoài; BAP tham gia đánh giá thử nghiệm của GSSI; Xuất khẩu thủy sản của Canađa sang châu Âu tăng 24% trong năm 2014; Ân Độ: bang Andhra Pradesh thiết lập chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản.
Sản lượng tôm của Mêhicô đang phục hồi

Ngành tôm Mêhico trong năm 2014 đã đối phó thành công với Hội chứng tôm chết sớm (EMS) giúp sản lượng tôm của nước này tăng so với mức thấp kỷ lục trong năm 2013, người đứng đầu Ủy ban Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Mêhicô Mario Aguilar Sanchez cho biết.

Việc triển khai các giải pháp như an toàn sinh học, vệ sinh ao nuôi và tập trung vào chất lượng giống đã giúp phục hồi sản xuất, Sanchez cho biết.

Theo Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc sản lượng tôm nuôi của Mêhicô đạt 80.000 tấn trong năm 2014. Tăng khá cao so với con số 52.000 tấn vào năm 2013.

Indonesia sẽ không cấp giấy phép mới cho tàu cá nước ngoài

Luật đánh bắt cá mới của Indonesia có khả năng dẫn tới việc chấm dứt hoạt động của các tàu cá nước ngoài trên vùng biển nước này, gây tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp đánh bắt cá của một số quốc gia ASEAN vốn phần lớn phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt trên các vùng biển của Indonesia.

Trả lời phỏng vấn tờ Channel News Asia mới đây, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết, Indonesia sẽ không cấp giấy phép mới cho các tàu cá nước ngoài sau thời hạn cuối tháng 4 tới.

Với luật đánh bắt cá mới, ngay cả khi đã được cấp phép, một số tàu cá nước ngoài trong tổng số 1.300 tàu đã được cấp phép, vẫn phải chấm dứt hoạt động trên vùng biển Indonesia do lệnh cấm đánh bắt cá bằng lướt vét.

Theo Bộ trưởng Pudjiastuti, các nước láng giềng có thể chuyển các nhà máy sản xuất sang Indonesia và sử dụng lao động Indonesia. Đã tới lúc Indonesia phát triển ngành công nghiệp thủy sản - vốn đang bị tổn hại do các hoạt động đánh bắt cá trái phép của các nước láng giềng trên vùng biển nước này. 5.000-7.000 tàu cá nước ngoài này đánh bắt được ít nhất 3-5 triệu tấn cá mỗi năm.

Dù không hoan nghênh các tàu đánh bắt cá nước ngoài, Indonesia vẫn sẽ mở cửa để chào đón các nhà đầu tư. Các biện pháp này sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Indonesia và tăng cường cơ hội cho các ngư dân trong nước.

Trong khi ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy chính sách "Bầu trời mở" (dự kiến bắt đầu triển khai trong năm 2015 này) thì Indonesia - quốc gia có tới 2/3 diện tích là biển - lại đưa ra những chính sách biển cứng rắn như vậy. Những chính sách này có thể sẽ tác động không nhỏ tới mục tiêu của khối là xây dựng một cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay.

BAP tham gia đánh giá thử nghiệm của GSSI

Chương trình chứng nhận độc lập Thực hành Nuôi trồng thủy sản Tối ưu (BAP) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) là một trong những chương trình chứng nhận thủy sản độc lập chuẩn bị tham gia đánh giá thử nghiệm đối với Công cụ Định chuẩn Toàn cầu (Global Benchmark Tool) đã được cập nhật của Sáng kiến thủy sản bền vững toàn cầu (GSSI)

Thông báo này được đưa ra tại Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ ở Boston, Mỹ ngày 17/3 vừa qua.

Global Benchmark Tool mới được cập nhật của GSSI bao gồm các yêu cầu dựa trên các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm (CCRF) và Hướng dẫn của FAO về dán nhãn sinh thái thủy sản và các Hướng dẫn kỹ thuật của FAO về chứng nhận nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, công cụ này còn có các chỉ số cho phép các chương trình có thể thể hiện cách tiếp cận khác nhau và giúp đỡ các bên liên quan hiểu được sự khác biệt. Những vấn đề này căn cứ trên CCRF và tài liệu liên quan của FAO, tiêu chuẩn quy phạm ISO và mã ISEAL. Việc thí điểm được đồng tài trợ bởi IDH (Sáng kiến ​​Thương mại bền vững).

Xuất khẩu thủy sản của Canađa sang châu Âu tăng 24% trong năm 2014

Năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản của Canađa đạt 4,9 tỉ đô la Canađa (CAD), tăng 11,9% so với năm trước đó, Bộ Thủy sản và Đại Dương Canađa cho biết.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Canada trong năm 2014, chiếm 63% giá trị xuất khẩu thủy sản, đạt 3,1 tỉ CAD. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu lại tăng mạnh nhất với 24% tương đương 89 triệu CAD.

Do Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện của Canađa với EU có hiệu lực, nên 96% các sản phẩm thủy sản xuất sang EU được miễn thuế ngay và còn lại sẽ được miễn thuế trong vòng 7 năm.

Thương mại với Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tăng khi Hiệp định thương mại tự do Canađa-Hàn Quốc đã có hiệu lực vào ngày 1/1/2015.

Năm 2014, thủy sản của Canađa đã được xuất sang 136 nước, tăng so với 123 nước trong năm 2013.

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Canađa là tôm hùm, cua, tôm và cá hồi Đại Tây Dương nuôi. Năm 2014, xuất khẩu các loại thủy sản này chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 3,1 tỉ CAD và 46% về khối lượng tương đương 262.000 tấn thủy sản. Tôm hùm vẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu với giá trị với 1,5 tỉ CAD trong năm 2014.

Sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu vẫn là các thị trường đáng chú ý với giá trị nhập khẩu thủy sản từ Canađa đạt lần lượt là 508 triệu CAD và 459 triệu CAD trong năm 2014.

Ân Độ: bang Andhra Pradesh thiết lập chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản

Chính quyền bang Andhra Pradesh sẽ sớm đưa ra chính sách thủy sản mới để tạo điều kiện và ưu đãi đối với người nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ, P.Pullarao cho biết việc xây dựng thêm các kho lạnh sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, các vấn đề như giải pháp kiểm soát dịch bệnh, cung cấp tôm, cá giống với giá hợp lý và xây dựng các cơ sở kiểm dịch sản xuất cá và tôm giống ở Nellore và Visakhapatnam cũng được đề xuất.

Pullarao cho biết chính quyền xác định thủy sản là một trong những động lực phát triển và vì thế sẽ thúc đẩy nuôi tôm, cơ giới hóa nuôi trồng thủy sản và phát triển các trung tâm sản xuất thủy sản nước ngọt và các trại sản xuất giống.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep