menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thủy sản thế giới ngày 20/4/2015

15:12 20/04/2015
Sản lượng cá ngừ vằn tăng, cá ngừ khác giảm; Malaysia cân nhắc việc dán nhãn môi trường cho thủy sản nuôi; Ecuador: Các nhà chế biến cá hộp không được miễn thuế thu nhập; Nuôi trồng thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Tây Ban Nha; Indonesia và Na Uy sẽ tăng cường hợp tác đấu tranh với khai thác bất hợp pháp; Chilê đầu tư 1,8 tỷ USD điều tra nguồn lợi cá sađin và cá cơm; Algeria: Nhập khẩu cá đông lạnh tăng 70%.

Sản lượng cá ngừ vằn tăng, cá ngừ khác giảm

Trong khi sản lượng khai thác cá ngừ vằn toàn cầu tăng mạnh, lượng cập cảng các loài cá ngừ khác lại giảm.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), lượng cập cảng cả 2 loài cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to năm 2013 giảm so với năm 2012.

Tổng sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng toàn cầu năm 2013 đạt 1,23 triệu tấn. Khoảng 44% loài cá này được khai thác ở Trung Tây Thái Bình Dương trong khi 67% cá ngừ vằn được khai thác ở đây.

Sản lượng cá ngừ vây vàng đạt 377.496 tấn ở Ấn Độ Dương (IO). Sản lượng cá ngừ vây vàng thấp hơn 3% (tương đương 12.822 tấn) so với cá ngừ vằn. Ở khu vực IO, đội tàu lưới vây của Pháp chủ yếu khai thác cá ngừ vây vàng.

Sản lượng khai thác cá ngừ mắt to toàn cầu giảm 2,1% đạt 386.631 tấn năm 2013. Sản lượng khai thác loài này vẫn tập trung nhiều ở khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) và IO, chiếm 63% tổng sản lượng khai thác toàn cầu.

Malaysia cân nhắc việc dán nhãn môi trường cho thủy sản nuôi

Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia đang cân nhắc việc dán nhãn thông tin môi trường lên các sản phẩm thủy sản nuôi. Nhãn này sẽ cho phép người tiêu dùng biết được các ảnh hưởng lên môi trường của các sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Thủy sản nuôi trồng nước này được chia thành 3 loại: sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm, cá cảnh và rong biển.

Ngành nuôi trồng thủy sản nước này tập trung tăng sản lượng và đẩy mạnh sức cạnh tranh thông qua các chiến lược bao gồm sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, đảm bảo chất lượng con giống và tăng nguồn cung thực phẩm.

Ecuador: Các nhà chế biến cá hộp không được miễn thuế thu nhập

Hãng tin “atuna” trước đó đưa tin các nhà máy đóng hộp cá ngừ của Ecuador được miễn thuế thu nhập hoàn toàn trong năm 2015. Tuy nhiên, ông Rafael Trujillo, Giám đốc Cục Nghề cá quốc gia Ecuador đã đính chính lại rằng các công ty đóng hộp cá ngừ chỉ được lùi thời gian trả thuế chứ không được miễn thuế.

Thông thường, các công ty cá ngừ phải trả thuế thu nhập của 1 năm theo 3 giai đoạn: tháng 7, tháng 9 và tháng 3 của năm tiếp sau đó. Theo luật sửa đổi của Ecuador, các công ty cá ngừ sẽ được lùi trả thuế thu nhập năm 2015 sang năm 2016. Chính phủ đã đưa ra những điều chỉnh này nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các công ty đóng hộp cá ngừ trong nước.

Nuôi trồng thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Tây Ban Nha

Ông Andres Hermida, Tổng cục trưởng Cục Nghề cá, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Tây Ban Nha (MAGRAMA) nhấn mạnh vai trò của nuôi trồng thủy sản “là hoạt động chiến lược, cạnh tranh và hiện đại đối với nền kinh tế Tây Ban Nha”.

Đối với Tây Ban Nha, nuôi trồng thủy sản là “một ngành năng động, sinh lợi và tạo phúc lợi ở nhiều khu vực của đất nước”.

Ngành nuôi trồng thủy sản Tây Ban Nha đang đứng đầu châu Âu. Theo số liệu năm 2013, Tây Ban Nha sản xuất 220.000 tấn thủy sản, trị giá 431 triệu euro. 50 năm qua, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản trên thế giới đã tăng gấp đôi nhờ sự tăng trưởng của nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó sự gia tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản ở trong nước và nước ngoài và sự hạn chế của nghề khai thác thủy sản cũng góp phần cho sự phát triển của nuôi trồng thủy sản.

Indonesia và Na Uy sẽ tăng cường hợp tác đấu tranh với khai thác bất hợp pháp

Inđônêxia và Na Uy đã nhất trí tăng cường hợp tác đấu tranh với các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp.

“Na Uy là nước có lợi thế về việc kiểm soát và an ninh. Chúng ta sẽ giúp họ về công nghệ, tài trợ và các vấn đề khác”, Bộ trưởng Thủy sản và Nguồn lợi Biển Susi Pudjiastuti cho biết trong cuộc gặp với tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg.

Bà cho biết các nước trên thế giới đang phấn đấu để xóa bỏ tình trạng khai thác bất hợp pháp, đặc biệt là nhiều nước đã triển khai hệ thống quản lý bên vững để cải thiện nguồn lợi khai thác thủy sản.

Chilê đầu tư 1,8 tỷ USD điều tra nguồn lợi cá sađin và cá cơm

Chính phủ Chilê đang lên kế hoạch đầu tư hơn 1,8 tỷ USD cho việc nghiên cứu khoa học về tình hình nguồn lợi cá sađin và cá cơm ở khu vực trung nam đất nước.

Sáng kiến này đang được chính phủ hỗ trợ thông qua Quỹ nghiên cứu Thủy sản khi có báo cáo cho thấy một số nguồn lợi thủy sản của Chilê đang bị lạm thác hoặc cạn kiệt.

Tổng giám đốc Quỹ Nuôi trồng và Khai thác thủy sản của khu vực Biobío, Lilian Troncoso cho biết nghề khai thác cá sađin đã giảm đáng kể về sinh khối và thường xảy ra tình trạng khai thác cá chưa trưởng thành. Vì vậy, công trình này sẽ giúp tìm ra cách quản lý và đóng cửa sinh học để bảo vệ tính bền vững của nghề khai thác.

Giá cá hồi Atlantic của Chile xuất sang thị trường Mỹ, Brazil trong tuần 13 đã giảm, tương tự giá cá hồi coho tại Nhật bản.

Algeria: Nhập khẩu cá đông lạnh tăng 70%

Algeria bắt đầu nhập khẩu cá đông lạnh cách đây 5, 6 năm nhưng được đánh giá là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng do sản lượng nhập khẩu đang tăng cao.

Năm 2014, Nigeria nhập khẩu 29,8 triệu USD cá đông lạnh, tăng 70% so với năm 2013. Hiện, Tây Ban Nha đang là đối tác cung cấp cá đông lạnh lớn nhất tại thị trường Algeria. Năm 2014, xuất khẩu cá tuyết hake đông lạnh sang Nigeria đạt 9 triệu USD, tăng gần 2 triệu USD so với năm 2013. Ấn Độ, Peru, Trung Quốc, Uruguay cũng đang tiếp cận thị trường tiềm năng này.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep.com.vn