menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp kinh doanh phân bón có thể xuất khẩu hàng ế đọng

16:44 19/12/2008
Với việc Bộ Tài chính chính thức bỏ thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu các loại phân bón (4.000-5.000 đ/kg) kể từ ngày 15/12, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón có thể tiến hành xuất khẩu số hàng ế đọng trong nước để thu hồi vốn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp vụ đông-xuân hàng năm là 3,98 triệu tấn các loại, nhưng năm nay sẽ chỉ rơi vào khoảng 3,1 triệu tấn. Trong số này, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được phân NPK đảm bảo nhu cầu; còn lại sẽ phải nhập khẩu 50% phân urê và 100% phân DAP, SA, Kali.

Tuy nhiên, tới nay, lượng phân ure sản xuất và nhập khẩu của các doanh nghiệp đang tồn kho cộng thêm số lượng phân được sản xuất tiếp các tháng tới được dự báo là cân đối đủ nhu cầu. Cụ thể, hiện tòn kho ure là khoảng 388.00 tấn, 2 công ty phân đạm trong nước trong tháng 12/2008 sẽ sản xuất và nhập khẩu được xấp xỉ 100.000 tấn và trong quý I/2009 là 240.000 tấn. Như vậy cộng với lượng phân bón nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh khoảng 120.000 tấn, thì tổng lượng phân đạm cung cấp cho thị trường sẽ là 848.000 tấn. Con số này được đánh giá là đáp ứng đủ nhu cầu cho vụ đông-xuân 2008-2009.

Bộ NN&PTNT cho hay, theo báo cáo không chính thức của các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, lượng phân ure, DAP, Kali và SA nhập khẩu từ tháng 8 tới nay còn tồn kho tổng cộng 1 triệu tấn. Trong đó, ure là 388.000 tấn; DAP là 161.000 tấn; SA là 210.000 tâấ và Kali là 241.000 tấn. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón, nếu tính cả phân NPK sản xuất trong nước, thì con số tồn có thể lên tới 2 triệu tấn phân bón.

Với  lượng tồn kho lớn, lại được nhập khẩu vào thời điểm giá lên cao và hiện tại giá xuống quá thấp, nên các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đang bị lỗ. Trước đó, từ năm 2007 đến tháng 10/2008, giá phân bón thế giới liên tục tăng cao, đạt mức kỷ lục trong 35 năm qua. Đỉnh cao nhất là vào thời điểm tháng 9/2008 với giá ure là 830-850 USD/tấn; DAP là 1250-1300 USD/tấn; SA là 350-380 USD/tấn và kali là 1000 USD/tấn.

Tuy nhiên, từ ngày 15/10/2008, giá phân bón đột ngột giảm mạnh. Ure chỉ còn 250-270 USD/tấn, giảm giá 3,2 lần; DAP còn 600 USD/tấn; giảm 2,1 lần và SA còn 130-150 USD/tấn, giảm 2,5 lần. Thực tế này khiến cho giá phân bón trong nước giảm mạnh. Giá bán buôn trên thị trường hiện nay của ure là 5.000 đồng/kg; SA là 2.500 đồng/kg; DAP là 8.000 đồng/kg và kali là 9.500 đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lẫn nguyên liệu làm phân bón bị lỗ khá nặng.

Việc Bộ Tài chính vừa chính thức bỏ thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu các loại phân bón (là 4.000-5000 đồng/kg) kể từ ngày 15/12 được xem là lối thoát cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nhgiệp có thể tiến hành xuất khẩu phân bón để thu hút vốn, giải quyết số hàng ế đọng trong nước.

Theo phó chủ tịch Hiệp hôi Phân bón, việc bỏ thuế xuất khẩu tuy rất muốn màng vì đề xuất này được các doanh nghiệp đưa ra từ cách đây 2 tháng, nhưng doanh nghiệp vẫn còn có thể vớt vát được chút ít để thu hồi vốn.Thị trường mà các doanh nghiệp phân bón là Lào, Cămpuchia và một số nước khu vực châu Phi.

Tuy nhiên, cũng để đảm bảo cân đối nhu cầu phân bón cho các năm tiếp theo, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp phân bón giãn nợ đối với khoản vay dùng để nhập khẩu lượng phân đang tồn kho đến hết quý I/2009 và tiếp tục cho vay để doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, cho nông dân, nhất là nông dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được giãn nợ; xem xét cho các hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn ưu đãi để mua vật tư phục vụ sản xuất.

Hơn nữa, dù chưa dám cảnh báo, nhưng nếu phân bón để lâu, cỡ khoảng 6 tháng, sẽ bị giảm chất lượng. Các doanh nghiệp nếu không tiêu thụ được phân bón tồn kho thì cũng không dám mua mới. Như vậy, người nông dân rồi lại phải chịu thiệt bởi chất lượng phân bón bị xuống cấp.

Nguồn:Báo đầu tư