menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp xuất khẩu kêu cứu trước thiệt hại do USD mất giá

14:00 11/03/2008
Đồng USD mất giá đã khiến các doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng xuất khẩu càng nhiều càng bị thiệt hại lớn. Giảm lượng xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, có chính sách xử lý ngoại tệ do DN thu về từ hoạt động xuất khẩu để đảm bảo chênh lệch giữa mua và bán không quá cao… được coi là giải pháp tình thế đối với hoạt động xuất khẩu lúc này.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê trong nước những ngày đầu tháng 3 đã leo lên mức 40.000 đồng/kg - cao nhất trong lịch sử cà phê Việt Nam. Giá xuất khẩu cà phê Robusta loại R2 (FOB) ở mức 2.500 - 2.550 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Với giá xuất khẩu cao như hiện nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2008 có thể đạt 2 tỷ USD. Phó Chủ tịch VICOFA cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các DN xuất khẩu là chênh lệch tỷ giá ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam đang khiến các DN càng xuất khẩu nhiều, càng bị thiệt.

Theo tính toán, cứ xuất khẩu 1.000 tấn cà phê thì số tiền chênh lệch do tỷ giá lên tới 300 - 350 triệu đồng. Theo phân tích của Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thì đồng Việt Nam tăng giá cũng khiến chi phí DN bỏ ra mua hàng trong nước tăng cao.

Trước đây, để mua 100.000 tấn gạo, DN chỉ cần 45 tỷ đồng nhưng năm nay số tiền này đã lên tới 75 tỷ đồng trong, khi định mức cho vay của ngân hàng vẫn không thay đổi. Trong khi đó, đồng USD thu về từ xuất khẩu được các ngân hàng mua cầm chừng, hạn chế, thậm chí là bị ép giá xuống 15.700 – 15.800 đồng/USD.

Là một trong những mặt hàng thuộc “câu lạc bộ tỷ USD” nhưng thủy sản cũng đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười”. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thanh toán các lô hàng xuất khẩu của DN ngành thủy sản, phần lớn dựa trên đồng USD, trong khi nguyên liệu, vật tư chủ yếu cho sản xuất đa phần lại dựa vào các nguồn trong nước và thanh toán bằng tiền đồng.

Nhưng hiện nay, USD bị mất giá trên thị trường, tiền đồng bị thiếu hụt trong lưu thông khiến các DN rất khó bán ngoại tệ thu về sau xuất khẩu để thu hồi vốn, trang trải chi phí sản xuất. Các ngân hàng hiện nay chủ trương hạn chế mua USD và mua với tỷ giá thấp đã tác động đến dòng vốn kinh doanh của DN. Chưa kể nhiều ngân hàng còn thu thêm phí (2%) khi mua USD khiến các DN bị thiệt đơn thiệt kép.

Thực tế trên đang đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng có dư ngoại tệ nhưng không bán được cho ngân hàng trong khi vẫn phải vay vốn tiền đồng với lãi suất cao hơn trước đây (do các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay lên 1,1 - 1,4%/tháng). Các DN đang phải chịu lỗ để duy trì sản xuất và thực hiện các đơn hàng đã ký với khách hàng trước đây.

Những bất ổn từ tỷ giá trong thời gian qua đã tác động không tốt đến DN, làm giảm khả năng xuất khẩu, hạn chế mua ngay bán ngay, tăng đầu cơ găm hàng. Để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu, các Hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần “vào cuộc” để có chính sách xử lý ngoại tệ do DN thu về từ hoạt động xuất khẩu để đảm bảo chênh lệch giữa mua và bán không quá cao ảnh hưởng không tốt đến hoạt động xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, ngay trong tuần này, Bộ sẽ có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan và các Hiệp hội ngành hàng để tìm các giải pháp khẩn cấp “cứu” DN.

Một số giải pháp đã được đưa ra để tìm cách giảm lỗ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đối với lương thực như gạo, thì giải pháp ngắn hạn được đưa ra đó là giảm lượng xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo. Năm 2008, có thể chỉ cần xuất khẩu 3,5 triệu tấn thay vì 4,5 triệu tấn như hạn mức của Chính phủ. Một mặt, sẽ giảm bớt thiệt hại của DN do chênh lệch USD/VND nhưng mặt khác, quan trọng hơn, đó là kéo giá lương thực trong nước xuống.

Đối với ngành thủy sản, VASEP cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT kiến nghị với Chính phủ xem xét cho áp dụng một loạt biện pháp để ổn định hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong nước. Theo đó, Nhà nước khẩn trương điều chỉnh các giải pháp kinh tế vĩ mô theo hướng không gây khó khăn cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giảm bớt thiệt hại cho nông dân, ngư dân và DN.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu và có biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua toàn bộ số ngoại tệ mà các DN đã thu được từ xuất khẩu bằng đúng tỷ giá do Nhà nước công bố, không thu thêm phí. Đồng thời, tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và cho DN chế biến thủy sản xuất khẩu vay đủ tiền mặt để có thể mua hết sản lượng nuôi trồng và khai thác của ngư dân; xem xét các biện pháp bù lỗ giá dầu cho nông, ngư dân để họ có thể duy trì sản xuất.

(DĐDN)

Nguồn:Vinanet