menu search
Đóng menu
Đóng

EPA Việt Nam - Nhật Bản: Cơ hội cho nông - thuỷ sản Việt Nam

13:42 03/10/2008

Hiệp định EPA Việt Nam - Nhật Bản (VN-NB) là Hiệp định kinh tế song phương đầu tiên của VN với NB, hướng tới mục tiêu tạo nên sự liên thông thuận lợi về hàng hoá, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề của hai nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hai nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Hiệp định bao gồm các cam kết về tự do hoá thương mại hàng hoá,  thương mại dịch vụ, đầu tư và các nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thươngmại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, giao thông vận tải.

Trong giai đoạn đầu, VN-NB sẽ ưu tiên xây dựng một số dự án hợp tác hỗ trợ cho VN như giúp đào tạo y tá VN tại NB, xây dựng Hệ thống kiểm định nghề nghiệp cho VN, thiết lập cơ chế đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ngành trồng trọt và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, điểm lợi nhất trong bản Hiệp định này là cơ hội để hàng nông, lâm, thuỷ , hải sản của VN vào NB được mở rộng hơn rất nhiều. Trước đây nhiều chủng loại thuỷ sản của VN chưa được nhập vào thị trường NB hoặc nhập vào NB với thuế suất cao thì nay thuỷ sản VN xuất khẩu vào NB với thuế suất thấp hơn. Cơ hội cũng đến với một số mặt hàng công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày, đồ gỗ, gốm sứ, dây và cáp điện....

Ngược lại,VN cũng sẽ mở cửa một số hàng hoá công nghiệp của NB. Mức thuế nhập khẩu cụ thể đang được tính toán thêm nhưng theo Bộ trưởng, sẽ không thấp hơn so với mức thuế nhập khẩu mà VN đã đạt được với Trung Quốc, Hàn Quốc...

Nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tuy đến cuối năm Hiệp định EPA-VN-NB mới được ký kết nhưng ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần xúc tiến mạnh mẽ và chủ động hơn trong việc nghiên cứu, nắm bắt những cơ hội kinh doanh từ thị trường NB để đến lúc Hiệp định được ký kết, doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ và có thể tăng lượng hàng xuất khâu ngay vào thị trường này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyên các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nội dung vì Hiệp định có rất nhiều phj lục, bảng biểu đi theo, nhất là mã số thuế, mã số hàng hoá... để không bị trục trặc trong quá trình xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có chương trình phổ biến rộng rãi Hiệp định, tổ chức hội thảo, toạ đàm để cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan hiểu rõ hơn nội dung của Hiệp định.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại thị trường Nhật Bản khá nhiều nhưng việc tiếp cận vẫn chưa bài bản. Nếu các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thì tăng trưởng tại thị trường này sẽ đạt hơn 17%, thậm chí có thể đạt tới 20%. Trước mắt, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phẩi đảm bảo chất lượng hàng hoá, nhất là với nhóm hàng nông-lâm-thuỷ-hải sản, hàng tiêu dùng. Yêu cầu chất lượng hàng hoá tại NB rất cao và khắt khe, hơn nữa thị trường này hội tụ rất nhiều đối thủ cạnh tranh hàng hoá, cạnh tranh doanh nghiệp và cả cạnh tranh quốc gia vì thế ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần phải thiết lập được mạng lưới nhập khẩu ổn định lâu dài thì mới có thể đẩy mạnh hàng xuất khẩu. Theo tham tán, cơ hội xuất khẩu hàng vào NB còn rất lớn vì những năm gần đây xuất khẩu của VN chỉ chiếm khoảng 0,9% trong tổng nhập khẩu của NB từ nước ngoài.

 

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam