menu search
Đóng menu
Đóng

ESCAP: Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2008

15:56 28/03/2008
Trong báo cáo thường niên công bố ngày 26/3, Uỷ ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) nhận định tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực này có thể sẽ giảm xuống 7,7% năm 2008 (mức thấp nhất trong 3 năm), so với mức cao kỷ lục trong vòng một thập kỷ 8,2% đạt được năm 2007.
Theo ESCAP, sự suy giảm nói trên chủ yếu là do kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và tình trạng thiếu hụt tín dụng đang ngày càng lan rộng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, cũng như tại châu Âu, như là hệ quả của sự tụt dốc của thị trường cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn của Mỹ. ESCAP cho rằng việc đồng USD sụt giá mạnh so với nhiều đồng nội tệ của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng lãnh một phần trách nhiệm dẫn tới sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.
ESCAP nhận định Trung Quốc và Ấn Độ, với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt ở mức 10,7% và 9,0% trong năm 2008, và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế của toàn khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,6% năm 2008, so với mức 2,0% năm 2007, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ giảm từ 1,8% năm 2007 xuống 1,4%.
Cũng theo ESCAP, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bước vào một thời kỳ cực kỳ bất ổn, do cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn tại Mỹ vẫn còn nhức nhối. Uỷ ban này đã đưa ra một kịch bản hết sức bi quan rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm và đồng USD cũng tiếp tục mất giá so với các đồng tiền của châu Á-Thái Bình Dương. Và trong trường hợp này, tốc độ tăng trưởng của Đài Loan và Hàn Quốc -hai nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ- có thể sẽ giảm 6-7 điểm phần trăm và phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng xấu. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa lớn, mặc dù nhịp độ tăng trưởng có chậm lại chút ít.

Nguồn:Internet