menu search
Đóng menu
Đóng

G20 lo ngại kinh tế thế giới mất cân bằng

08:29 23/09/2009
Điều chỉnh thói quen chi tiêu của các nền kinh tế cũng như xem xét quá trình gỡ bỏ các gói kích cầu là nội dung trọng tâm của hội nghi thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Pittsburg (Mỹ) trong hai ngày 24-25/9 tới.

Dự thảo các văn kiện sẽ được xem xét tại hội nghị cho thấy giới lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới đang kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi trong chính sách vĩ mô tại Mỹ, Anh hay Trung Quốc.

Nghiên cứu căn nguyên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà soạn thảo cho rằng đang tồn tại một sự mất cân bằng lớn trong quá trình phát triển kinh tế thế giới. Tình trạng này rõ nhất khi sự phân hóa diễn ra một cách sâu sắc các quốc gia phát triển và ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế khác.

Trong khi Mỹ hoặc Anh được coi là những con nợ lớn của thế giới, hệ quả tất yếu của sự phát triển quá độ nền kinh tế tiêu thụ thì các quốc gia như Trung Quốc hay Đức lại được coi là quá tiết kiệm trong chi tiêu.

Theo các chuyên gia, nếu tình trạng trên không sớm được thay đổi triệt để, dù có phục hồi, kinh tế thế giới vẫn sẽ phát triển chậm, thiếu sức sống và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh BBC, các quốc gia thành viên sẽ không phải thực cam kết thực hiện một biện pháp cụ thể nào nhằm cụ thể hóa mục tiêu chung.

Lãnh đạo các nền kinh tế cũng sẽ bày tỏ sự nhất trí cao trong việc kêu gọi Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát đồng Nhân dân tệ, vốn đang ở mức thấp hơn giá trị thật. Một đồng bản tệ mạnh hơn sẽ khích sức mua của thị trường hơn 1,3 tỷ dân này. Nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập khẩu sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc phải tự thân thay đổi nhiều chính sách an sinh xã hội như lương hưu hay y tế nếu muốn người dân giảm dần thói quen tiết kiệm.

Một nội dung khác cũng sẽ được bàn đến trong hội nghị hai ngày tai Pittsburg là quá trình gỡ bỏ các biện pháp can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Theo các tài liệu được Thủ tướng Anh Gordon Brown viện dẫn trong tuyên bố gần đây, các gói kích thích kinh tế nhiều khả năng sẽ được giảm dần để tránh gây sốc cho nền kinh tế đang trên đà hồi phục.

Các tài liệu tiền hội nghị cũng chỉ ra rằng, mỗi quốc gia có một hoàn cảnh riêng và việc gỡ bỏ cách chương trình hỗ trợ kinh tế như thế nào và vào thời điểm nào là quyết định của chính phủ các nước. Quá trình này cần được thực hiện một cách "vô hình" và chắc chắn.

VNEXPRESS

Nguồn:Internet