menu search
Đóng menu
Đóng

G20 tung 1.100 tỷ USD giúp KT thế giới thoát khỏi khủng hoảng

14:01 03/04/2009
Thu hẹp những bất đồng căng thẳng trong chính sách và triết lý tài chính, các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ngày 2/4 đã đạt được những thỏa thuận lớn về một loạt biện pháp tài chính - ngân hàng nhằm phục hồi nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng trầm trọng.
Hội nghị Luân Đôn của G20 đã thống nhất tăng cường vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cam kết tung ra 1.100 tỷ USD, trong đó riêng nguồn vốn của IMF được tăng gấp ba lên 750 tỷ USD. Một ban ổn định tài chính với quyền lực được tăng cường sẽ được thành lập để thiết lập cơ chế cảnh báo sớm cho các nước về những nguy cơ có tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết từ nay đến cuối năm 2010 tổng số tiền được tung ra có thể đạt tới 5.000 tỷ USD. IMF sẽ bán vàng dự trữ để giúp đỡ các nước nghèo nhất thế giới chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế. Ngoài ra, ông Gordon Brown cho biết Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ công bố danh sách các "thiên đường tránh thuế", chấm dứt tình trạng giữ "bí mật ngân hàng" ở các nước và vùng lãnh thổ là thiên đường cho các hành vi trốn thuế nhằm bảo đảm các nguồn tài chính thế giới được kiểm soát chặt chẽ hơn. G20 cũng thỏa thuận đưa vào thực hiện những "quy chế mới" hạn chế mức thu nhập và tiền thưởng của giới chủ giám đốc ngân hàng, bởi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính. Hội nghị Luân Đôn cũng thống nhất rằng đến tháng 9/2009, G20 sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh (lần thứ ba trong năm nay) bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Niu Yoóc để xem xét G20 đã làm được những việc gì.
Thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực ngay sau khi Hội nghị G20 tại Luân Đôn đưa ra được những quyết định đồng thuận. Tại trung tâm chứng khoán Frankfurt/Main, số điểm của Dax đã lập tức tăng 6% lên 4.382 điểm, tại Paris tăng 5% và ở Luân Đôn cuối ngày 2/4 đã tăng 4%.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tỏ ra hài lòng với những quyết định của Hội nghị Luân Đôn và cho rằng kết qủa đạt được đã vượt quá sự mong đợi. Trước đó, ông đã dọa bỏ dở hội nghị nếu hội nghị "chỉ bàn suông" và không có những quyết định siết chặt việc kiểm soát hệ thống tài chính.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá những quyết định của Hội nghị G20 ở Luân Đôn là "thỏa thuận lịch sử" trong cuộc khủng hoảng chưa từng thấy này; mặc dù cuộc đàm phán rất căng thẳng nhưng đã đạt được "kết quả cực kỳ tốt", thể hiện một thông điệp đoàn kết của các nước G20.
Một diễn biến đáng chú ý tại Hội nghị là trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga Dmitri A.Medvedev đã đưa ra ý tưởng của Nga về việc xây dựng một đồng tiền dự trữ mới của thế giới thay thế đồng USD. Nhà lãnh đạo Nga nói: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là phá hủy các thể chế đang tồn tại hoặc làm yếu đồng USD, đồng bảng Anh hoặc đồng euro. Chúng tôi đơn giản kêu gọi có một đánh giá chung về việc làm thế nào để hệ thống tiền tệ thế giới có thể phát triển có lợi nhất vì lợi ích của nền kinh tế thế giới".
Các nước G20 chiếm 4/5 sản lượng kinh tế toàn cầu nên các quyết định của Hội nghị Luân Đôn có ý nghĩa rất lớn, tác động đến sự phát triển của thế giới. Nhìn chung, các thành viên tại Hội nghị Luân Đôn đã đạt được sự "thống nhất cao". Tuy nhiên, họ vẫn chưa thống nhất được việc điều tiết thị trường tài chính tương lai, chủ trương áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế và chống chủ nghĩa bảo hộ kinh tế.

Nguồn:Internet