menu search
Đóng menu
Đóng

Giá hạt tiêu đang ở mức cao

15:02 01/03/2011
Cùng với các loại nông sản khác như cà phê, cao su … thì giá hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2011. Giá tiêu đen tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm cả nước như Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Bình Phước đứng ở mức 88.000 - 90.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với các loại nông sản khác như cà phê, cao su … thì giá hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2011. Giá tiêu đen tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm cả nước như Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông, Bình Phước đứng ở mức 88.000 - 90.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu trắng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 120.000 đồng/kg và mức giá này được giữ từ tháng 11/2010 cho đến nay.
Trúng mùa, trúng giá
Điệp khúc “trúng mùa rớt giá hay mất mùa thì được giá” không còn đúng với nông dân trồng tiêu trong vòng 2 năm qua. Hiện nay, nông dân trồng tiêu đã bước vào thu hoạch, theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), dự báo sản lượng hồ tiêu năm nay đạt khoảng 110.000 tấn, tương đương sản lượng năm ngoái.
Mặc dù vụ thu hoạch hồ tiêu đã bắt đầu, thường các năm trước, giá tiêu nông dân bán ra sẽ hạ nhưng giá xuất khẩu hồ tiêu năm nay hiện đang đứng ở mức cao, giá tiêu đen trung bình đạt 4.300 – 4.400 đô la/tấn và 6.800 – 6.900 đô la/tấn đối với tiêu trắng. Mức giá này so với cùng ký năm ngoái thì giá tiêu đen tăng hơn 1.400 đô la và hơn 2.850 đô la/tấn cho tiêu trắng.
Dự đoán trong các tháng tiếp theo, giá hồ tiêu vẫn tiếp tục đứng vững do nhu cầu tiêu dùng của các nước Mỹ, Hà Lan, Đức, Ả Rập - các nước nhập khẩu chính hồ tiêu của Việt Nam rất lớn. Hiện chỉ có Việt Nam là nước thu hoạch tiêu vào tháng 2, 3 trong khi các nước sản xuất hồ tiêu chính khác như Indonesia, Malaysia thu hoạch hồ tiêu vào tháng 6, 7 và Brazil thu hoạch vào tháng 11.
Nếu như năm 2009, xuất khẩu tiêu Việt Nam đạt mức kỷ lục về kim ngạch và lượng xuất khẩu (kim ngạch đạt 348 triệu đô la, xuất khẩu đạt 134.264 tấn), thì bước sang năm 2010 tuy lượng xuất khẩu giảm 12% xuống còn 116.861 tấn nhưng kim ngạch lại đạt giá trị cao nhất từ trước tới nay, đạt 421 triệu đô la, tăng 15,7%.
Đã qua rồi cái thời các doanh nghiệp có thể ép giá nông dân vào vụ thu hoạch, đặc biệt là nông dân trồng hồ tiêu khi mà thời đại công nghệ thông tin đã lan tỏa đến tận hang cùng ngõ hẻm. Chỉ bằng một cú điện thoại, vài tin nhắn thì nông dân trồng tiêu có thể nắm bắt được giá tiêu ở Bình Phước, Gia Lai, Đăk Nông, … mà không để cho doanh nghiệp ép giá.
Tại Chư Sê, Gia Lai, một huyện trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước, nơi có thương hiệu hồ tiêu đầu tiên ở Việt Nam là thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê (đã được đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa), không hiếm nông dân trồng tiêu mua máy vi tính, lắp đặt đường truyền internet để n hàng ngày vào xem giá cả ở thị trường giao dịch kỳ hạn Ncdex (Ấn Độ).
Các tháng đầu năm ngoái, giá tiêu thu mua nội địa tại các vùng trồng tiêu trọng điểm chỉ đứng trung bình ở mức 43.000 – 45.000 đồng/kg (tháng 1 đến tháng 3), thì bắt đầu từ tháng 4, giá tiêu liên tục tăng mạnh lên 55.000 đồng vào tháng 4, 5, 6 và bắt đầu đứng ở mức cao liên tục các tháng 7, 8, 9 với mức giá trung bình là 75.000 đồng/kg. Các tháng cuối năm, hồ tiêu trong dân cũng như ở các kho của các doanh nghiệp đều hết nên giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục trên 90.000 đồng/kg và mức giá này được giữ cho đến Tết Tân Mão 2011.
Hồ tiêu Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường hồ tiêu thế giới
Các năm trước, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam luôn ào ạt xuất khẩu vào các tháng giữa năm (từ tháng 4 đến tháng 9), thậm chí có tháng xuất khẩu gần 15.000 tấn với giá thấp, dẫn đến việc cuối năm trong kho của các doanh nghiệp hầu hết đã hết hàng, nhưng thời điểm cuối năm giá xuất khẩu lại thường tăng gấp rưỡi.
Năm ngoái, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự biết điều tiết xuất khẩu, chủ động nguồn hàng ở trong kho cũng như ở trong dân giúp giá xuất khẩu luôn ở mức cao. 6 tháng cuối năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động điều tiết giảm tiến độ xuất khẩu, đặc biệt bước sang tháng 8 thì lượng xuất khẩu đã giảm bằng 2/3 so với các tháng cùng kỳ các năm trước, điều này đã giúp giá xuất khẩu luôn ở mức hơn 4.400 đô la/tấn, cá biệt tháng 11, 12 giá xuất khẩu đạt 5.000 đô la/tấn, trong khi giá xuất khẩu các tháng đầu năm 2010 trung bình ở mức 3.000 – 3.300 đô la/tấn.
 
Với diện tích 50.000 héc ta và năng suất đạt 2,3 – 2,5 tấn/héc ta, sản lượng hạt tiêu hàng năm của Việt Nam khoảng 110.000 tấn, chiếm 33% so với sản lượng của cả thế giới và lượng xuất khẩu chiếm gần 50% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu. Trong khi các nước khác thuộc Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) như Brazil, Indonesia đều giảm sản lượng một cách trầm trọng. Brazil từ 40.700 tấn xuống còn 34.000 tấn, Indonesia từ 55.000 tấn xuống còn 52.000 tấn.
Cũng theo IPC, sản lượng năm 2010 của thế giới đạt 331.380 tấn, giảm 1% so với năm 2009, kéo theo đó lượng xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới cũng giảm theo. Tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu từ 268.368 tấn năm 2009 xuống còn 249.511 tấn trong năm 2010.
 

Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày