menu search
Đóng menu
Đóng

Giá hạt tiêu mất 800 USD/tấn trong 2 tuần

15:56 27/05/2011
 

Hoạt động chốt lời diễn ra ồ ạt tạo cảm tưởng như có sự tháo chạy mạnh mẽ sau khi giá lập kỷ lục hôm 10/5.

Qua 2 phiên giao dịch của ngày 25 và 26/5, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Kochi-Ấn Độ biến động rất mạnh. Giá tiêu kỳ hạn tháng 6 giảm tổng cộng 1.332 Rupi xuống mức 29.170 Rupi/tạ, tương đương giảm 301 USD/tấn. Trong khi đó giá tiêu kỳ hạn tháng 7 giảm 799 Rupi xuống mức 29.250 Rupi/tạ, tương đương giảm 178 USD/tấn.

Ngày 10/5, giá tiêu trên sàn giao dịch thế giới vươn lên đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay ở mức 30.000 Rupi/tạ, tương đương 6.800 USD/tấn. Mức cao này duy trì suốt 2 tuần mà không tăng thêm nữa khiến các nhà đầu cơ trên sàn đi đến quyết định bán ra đúng như các nhà phân tích thị trường dự đoán. Điều các nhà phân tích không hề tiên liệu là hoạt động chốt lời lại diễn ra ồ ạt tạo cảm tưởng như có sự tháo chạy mạnh mẽ trên sàn.

Nhìn vào biểu đồ giá có thể thấy được hoạt động chốt lời của nhà đầu cơ là tất yếu khi giá đã chững lại quá lâu sau đợt tăng trưởng kéo dài suốt từ đầu năm 2011 cho đến nay. Tuy nhiên, hoạt động này không liên quan đến thông tin nền tảng cung cầu.

Ngược lại, trong khi giá hạt tiêu trên thị trường thế giới vẫn vững ở mức cao thì giá hạt tiêu ở thị trường nội địa lại giảm dần. Nguyên nhân chính là do lãi suất tiền vốn vay bằng đồng nội tệ quá cao, các nhà kinh doanh xuất khẩu đã không dám tung tiền ra để dự trữ hàng nông sản, thậm chí còn dẫn đến việc giảm dần giá xuất khẩu, nhanh thu hồi vốn để quay vòng. Ngay cả việc thu gom hàng cũng gặp khó khăn vì nhà nông không muốn bán hàng ra ở khu vực giá mà họ chưa thỏa mãn.

Bình quân giá tiêu xô giảm 10 triệu đồng/tấn, xuống còn 104-105 triệu đồng/tấn và giá tiêu xuất khẩu các loại giảm 500 USD/tấn.

Vụ mùa thu hoạch của Ấn Độ đến nay cũng đã hoàn tất, sản lượng thu được không như dự kiến. Nước này đã gia tăng kế hoạch nhập khẩu để chế biến và tái xuất. Tính đến hết tháng 4, Ấn Độ đã nhập của nước ta 2.051 tấn tiêu các loại, trị giá 9,677 triệu USD.

Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu hồ tiêu tháng 4 đạt 15.219 tấn, giá trị kim ngạch đạt 83,574 triệu USD, về lượng giảm 5,8% nhưng về giá lại tăng 4,3% so với tháng trước. Tổng cộng qua 4 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 41.247 tấn, trị giá 210,920 triệu USD, giảm 7,1% về lượng nhưng về giá tăng 55,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 29,5% kế hoạch năm. Giá xuất khẩu bình quân 4 tháng đạt 5.114 USD/tấn, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2010.

Thị truờng XK hồ tiêu chủ lực của nước ta là

NƯỚC

tháng 4

Cộng dồn Xk 4 tháng

 

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Mỹ

1.829

10.437.854

5.452

28.281.853

Đức

1.848

11.341.851

5.156

29.362.030

Hà Lan

1.352

8.439.522

3.062

19.697.879

TVQ Á Rập TN

1.789

9357278

2.819

14.214.970

Ai Cập

1.030

5.392.252

2.228

10.790.804

Ấn Độ

717

3.491.427

2.051

9.677.464

Pakistan

862

4.449.049

1.672

8.092.859

Singapore

570

2.944.042

1.600

8.138.287


Theo báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu hồ tiêu 5 tháng đầu năm ước đạt 56.000 tấn, giá trị kim ngạch 293 triệu USD, giảm 5,5% về lượng nhưng tăng 58,9% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.

Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày