menu search
Đóng menu
Đóng

Giá Titan sụt giảm mạnh

11:15 07/12/2013
Chiếm 6% sản lượng nguyên liệu titan toàn cầu năm 2012, Việt Nam đang giữ vị trí quan trọng trong nhóm quốc gia cung cấp nguyên liệu thô titan cho thị trường thế giới.

Chiếm 6% sản lượng nguyên liệu titan toàn cầu năm 2012, Việt Nam đang giữ vị trí quan trọng trong nhóm quốc gia cung cấp nguyên liệu thô titan cho thị trường thế giới.

Trong năm 2013 mặc dù thị trường toàn cầu có nhiều tín hiệu xấu nhưng sản lượng Titan Việt Nam năm 2013 ước đạt 0,85 triệu tấn bằng 80% 2013.  Xuất khẩu tính đến tháng 11 đạt trên 0,6 triệu tấn giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.  


Mức hàng tồn kho cao năm 2012 tạo ra sức ép xuất khẩu trong năm 2013 trong khi từ đầu 2013 sau khi chính phủ tiếp tục cho xuất khẩu quặng tinh Ilmenite theo quota, mức thuế xuất khẩu đã tăng từ 30 % lên đến 40% và giá thì giảm liên tục.

Theo đánh giá của Công ty tư vấn khoáng sản quốc tế S.O.N (SonMinerals), từ đầu quý 4 năm 2013, thị trường Titan Việt Nam đã ảnh hưởng thực sự bởi tình hình chung của thị trường thế giới và đặc biệt bởi nhu cầu giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc.  Nhưng ít ai ngờ rằng mức giá có thể xuống ở mức hiện tại.

Tại thị trường khu vực sản phẩm Ilmenite sulphat tiêu chuẩn giao dịch với mức giá 140 USD/tấn đến 180 USD/tấn FOB (chưa bao gồm thuế xuất khẩu) giảm trung bình 40 % so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các sản phẩm xỉ Titan (xỉ cao và xỉ thấp) cũng như Rutile cũng có mức giảm tương tự. Với giá bán hiện tại cộng với mức thuế xuất khẩu 40% cho Ilmenite và Rutile  các hộ sản xuất nguyên liệu Titan tại Việt Nam đang đối mặt với cấu trúc giá  rất yếu và nguy cơ thua lỗ là rất gần.

Cũng theo nhận định SonMinerals,  từ đầu 2013 thị trường Titan toàn cầu đã trải qua rất nhiều biến động tiêu cực, liên tục xuất hiện những tin xấu và mức giảm giá là đáng báo động so với mức giá năm 2012.


Bên cạnh đó, kinh tế bất ổn ở Châu Âu, sự đóng băng của thị trường bất động sản tại các nền kinh tế lớn và bong bóng tài chính Trung Quốc là những nhân tố quan trọng đẩy nhu cầu nguyên liệu Titancủa thế giới trở về mức của những năm 2010. Kết quả là một loạt các tuyên bố cắt giảm sản lượng và hạ giá ở quy mô toàn cầu.

Lượng nguyên liệu Titan tồn kho toàn cầu do sản lượng tăng vọt giai đoạn 2011-2012 vẫn đang nằm trong giai đoạn được xử lý và những tín hiệu chập chạp của quá trình này không làm cho các nhà sản xuất Titan lớn nhất của thế giới hy vọng vào việc sản phẩm nguyên liệu Titan của họ sẽ có thể tăng giá trở lại vào quý II/2014.

Xu hướng giảm giá chung trên toàn cầu cộng với mức tiêu thụ chậm của thị trường Trung Quốc, đã đưa các nhà sản xuất Titan Việt Nam và tình trạng khốn đốn. Các khảo sát của SonMinerals gần đây nhất cho biết, trong năm 2012 khi giá các sản phẩm xỉ Titan lên cao đỉnh điểm trong lịch sử ngành, nhiều dự án mở rộng công suất và xây dựng nhà máy sản xuất xỉ Titan mới đã được nhanh chóng khởi động.  


Các dự án này hiện nay hầu hết đều tạm dừng lại vô thời hạn khi giá xỉ Titan đang đi xuống ở tốc độ chóng mặt. Tính từ đầu 2013 giá xỉ Titan giảm trung bình 800 USD/tấn. Mức giá FOB chưa tính thuế hiện tại cho xỉ giao động từ 700 USD/tấn đến 800 USD/tấn đang làm các nhà sản xuất chỉ muốn duy trì sản lượng để không đóng cửa nhà máy.

Trong một tình huống khác, một nhóm các công ty tại Việt Nam mới có giấy phép khai thác Titan lại đang phải triển khai gấp rút các dự sản xuất xỉ Titan theo yêu cầu về khai thác gắn liền với chế biến sâu titan của Chính phủ.


Trong khi mức giá đáy của thị trường là chưa xác định, vì xét về lịch sử, mức giá này vẫn cao hơn mức giá từng ổn định trong vòng 15 năm vừa qua. Điều này cho thấy những dự án sản xuất và chế biến Titan mới sẽ gặp phải vô vàn khó khăn nếu chủ đầu tư không tính toán kỹ về nhu cầu của thị trường, quy mô đầu tư, chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm...

Theo Báo công thương