menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng ngày 14/4

09:37 14/04/2011
Bất chấp giá vàng thế giới tăng trở lại đêm qua và tiếp tục đi lên trong sáng nay (14/4), giá vàng trong nước lại quay đầu đi xuống, gần chạm "sàn" 37 triệu đồng/lượng. Trên thị trường ngoại hối, USD cũng giảm nhẹ.
Đêm qua (13/4), sau hai phiên giảm liên tiếp, giá vàng quốc tế cả kỳ hạn lẫn giao ngay đều đã tăng nhẹ trở lại. Cụ thể, vàng giao tháng 6 tăng 2 USD, tương đương 0,1%, lên 1.455,6 USD/ounce trên sàn Comex ở New York.

Hai phiên liên tiếp vừa qua, vàng kỳ hạn này đã mất tới 20,5 USD. Giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.457 USD/ounce, tăng nhẹ từ mức 1.453,95 USD/ounce trong phiên giao dịch liền trước.

Sở dĩ vàng quốc tế đêm qua tăng mạnh trở lại, là nhờ sự suy yếu của đồng bạc xanh trước hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục kéo dài chính sách nới lỏng tiền tệ.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 12/4, giá vàng kỳ hạn đã để mất tới 14,5 USD/ounce, khi giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần, với mức trượt 3,3% xuống 106,25 USD/thùng.

Bất chấp giá vàng thế giới tăng trở lại đêm qua và tiếp tục đi lên trong sáng nay (14/4), giá vàng trong nước lại quay đầu đi xuống, gần chạm "sàn" 37 triệu đồng/lượng. Trên thị trường ngoại hối, USD cũng giảm nhẹ.

Tính tới 9h05 sáng, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào là 36,9 triệu đồng/lượng, bán ra là 37,01 triệu đồng/lượng. Vàng SJC của Công ty Phú Quý cùng thời điểm được niêm yết ở các mức tương tự.

Trong khi, theo bảng giá lúc 8h05 của Sacombank, vàng SBJ được mua vào với giá 36,93 triệu đồng/lượng, bán ra với giá 37,01 triệu đồng/lượng. Vàng SJC đứng ở mức 36,9 - 37,02 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Như vậy so với đầu giờ chiều qua, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước đang có chiều hướng đi xuống, bất chấp giá thế giới tăng trở lại. Trên bảng thanh toán Kitco, tính tới 9h10, vàng giao ngay tại châu Á đang có giá 1.457 USD/ounce.

Dẫu giá vàng đã giảm hai phiên liên tiếp, nhưng thị trường vẫn đứng trên mức trung bình 10 ngày, 1.449,30 USD/ounce, chiến lược gia thị trường cao cấp Charles Nedoss thuộc hãng Olympus Futures, nhận định.

Theo Nedoss, việc thị trường ngày 13/4 đóng cửa trên mức trung bình 10 ngày là "rất tích cực và báo trước khả năng vàng còn tăng giá mạnh hơn nữa trong thời gian tới".

Hôm qua, hãng tư vấn kim loại GFMS cho biết, giá vàng có khả năng phá ngưỡng 1.600 USD/ounce trước khi kết thúc năm nay, khi nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về lạm phát và chính sách tài chính.

Tương tự thị trường vàng, giá các kim loại quý khác cũng tăng khá. Bạc giao tháng 5 tăng 0,4% lên 40,24 USD/ounce. Bạch kim giao tháng 6 tăng 2,9 USD lên 1.777,2 USD/ounce, trong khi palladium giao tháng 6 giảm 4,8 USD xuống 765,3 USD/ounce.

Phiên 13/4, giá dầu thô quốc tế cũng tăng trở lại. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 trên sàn New York tăng 86 xu Mỹ, lên 107,11 USD/thùng. Tại London, dầu Brent giao tháng 5 tăng 1,96 USD, tương đương 1,62%, lên 122,88 USD/thùng.

Trong ngày, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ báo cáo, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần tính tới ngày 8/4 đã tăng 1,6 triệu thùng dầu, đúng như dự đoán của giới phân tích.

Tuy nhiên, dự trữ xăng giảm tới 7 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất khác giảm 2,7 triệu thùng. Cả hai số liệu này đều giảm sâu hơn dự báo của giới nghiên cứu. Đây cũng là yếu tố giúp giá dầu tăng trở lại trong phiên hôm qua.

Trên thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá USD liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng 14/4 giảm 5 đồng, xuống mức 20.718 đồng, sau hai ngày liên tiếp neo đậu ở mức cao kỷ lục.

Tỷ giá trần USD tại các ngân hàng thương mại trong ngày đứng ở 20.925 đồng. Cụ thể, tại Vietcombank, giá USD mua vào là 20.920 đồng/USD, bán ra là 20.925 đồng/USD.

Cũng tại Vietcombank, đồng Yên Nhật được mua vào trong khoảng 245,57 - 248,05 đồng/Yên, bán ra với giá 252,89 đồng/Yên. Đồng Euro được mua với giá 29.916,3 - 30.006,32 đồng/Euro, bán ra là 30.409,28 đồng/Euro.

Vneconomy