menu search
Đóng menu
Đóng

Giải pháp tình thế nào cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay?

14:25 25/04/2008
Những giải pháp khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu như sử dụng thẻ phân phối hàng, trồng cây biến đổi gien, hay các chính phủ tự do hóa thị trường thay vì can thiệp (như trợ giá) xem ra phức tạp, thậm chí gây tranh cãi, cũng như có thể chưa đủ khi nhu cầu lương thực đang tăng vọt.
Thực tế, thế giới rất cần những giải pháp triệt để khắc phục tình trạng giá lương thực leo thang đang gây ra tình trạng đói nghèo cùng cực và xung đột trên toàn cầu.
giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Liên Hợp Quốc, Josette Sheeran, đã ví cuộc khủng hoảng lương thực này như "cơn sóng thần ngầm" đang "quét" qua hầu hết các nước nghèo trên thế giới.
Lần đầu tiên trong 30 năm qua, tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng vọt (do giá nhiên liệu và nhu cầu của Ấn Độ và Trung Quốc tăng mạnh) đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở nhiều nơi, từ, Caribê, châu Phi đến châu Á. Cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan nói rằng các cuộc biểu tình ở các nước đang phát triển sẽ còn tiếp diễn, khi thế giới đang trải qua "một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng".
Giá gạo thế giới đã tăng hơn hai lần trong 5 tuần trở lại đây. Ngân hàng Thế giới ước tính giá lương thực đã tăng 83% trong 3 năm trở lại đây.
Tại cuộc họp báo ở Luân Đôn, Giám đốc điều hành WFP Sheeran nói rằng cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến nhiều người hơn trên mọi châu lục. Nạn đói kém thường có nghĩa là đói ăn hàng loạt. Thước đo cuộc khủng hoảng hiện nay là mức độ khổ cực và thiếu ăn. Ngay cả tầng lớp trung lưu ở những nước nghèo cũng đang phải cắt các khoản chăm sóc y tế và loại bỏ thịt ra khỏi khẩu phần ăn để có thể ăn 3 bữa một ngày. Những người có mức sống 2 USD/ngày đang phải cho con em nghỉ học và thậm chí loại bỏ cả rau để có thể có đủ cơm cho bữa ăn. Còn những người sống dựa vào 1 USD đang loại bỏ cả thịt, rau, và cắt giảm 1 đến 2 bữa ăn/ngày để có đủ 1 bát cơm. Những người tuyệt vọng -có mức sống dưới 50 xu/ngày- đang gặp thảm họa thực sự.
Hiện có gần 1 tỷ người trên thế giới sống dựa vào 1 USD/ngày. Nếu chi phí lương thực ước tăng 20% (một số nơi còn tăng mạnh hơn), sẽ có thêm 100 triệu người lâm vào mức sống này. Chủ tịch WB Robert Zoellick cũng cho rằng có thể có tới 100 triệu người bị cuộc khủng hoảng lương thực này làm cho lún sâu vào cảnh đói nghèo hơn nữa. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng chi phí lương thực gia tăng có nguy cơ làm xóa đi những tiến bộ đã đạt được đối với Mục tiêu Thiên Niên Kỷ là giảm một nửa số người nghèo đối vào năm 2015.
Thủ tướng Anh Gordon Brown trong một tuyên bố ngày 22/3 nhấn mạnh: "Khắc phục cái đói là thách thức về đạo đức đối với mỗi chúng ta, và nó cũng là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và kinh tế của các quốc gia".
Tạp chí Nhà kinh tế cho rằng các nước giàu cần coi các vấn đề lương thực cũng nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tín dụng. Do mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay, nên bước đầu tiên là sửa chữa lỗ hổng trong mạng lưới an sinh thế giới. Điều này có nghĩa là WFP -tổ chức phân phối viện trợ lương thực lớn nhất thế giới- phải được cung cấp tài chính hợp lý. Ước tính, để có thể viện trợ khối lượng lương thực tương đương năm 2007, WFP cần có thêm 700 triệu USD nữa.
Anh đã cam kết viện trợ ngay 59,7 triệu USD, trong khi Mỹ cũng viện trợ khẩn cấp 200 triệu USD để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực. Bà Sheeran cho rằng cho dù lời kêu gọi viện trợ khẩn cấp 500 triệu USD của bà có được đáp ứng đi chăng nữa thì viện trợ lương thực cho khoảng 20 triệu trẻ em ở những nước nghèo nhất thế giới cũng vẫn bị cắt giảm; các dự án viện trợ lương thực cho các trường học ở Kênia và Campuchia đều bị cắt giảm và viện trợ lương thực ở Tátgikixtan cũng giảm còn một nửa.
Ông Alex Evan, cựu cố vấn Bộ trưởng Môi trường Anh Hilary Benn cho rằng "hiện không quá sớm để nghĩ đến những giải pháp dài hạn". Các nhà lãnh đạo thế giới phải thúc đẩy việc tăng sản lượng lương thực, xem xét lại các kế hoạch đẩy mạnh việc sản xuất nhiên liệu sinh học (hiện bị coi là một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực tăng vọt), và một lần nữa xem xét lại chủ đề từng bị cấm kị là trồng các loại cây cải biến gien. Việc tăng quỹ đất canh tác ở những nước đang phát triển có thể rất khó khăn, bởi nó kéo theo các đòi hỏi về đường sá và cơ sở hạ tầng. Thêm nữa, mặc dù các nước có ý chí và kỹ năng tăng sản lượng lương thực, nhưng việc thiếu đầu tư của các chính phủ, đặc biệt là ở châu Phi, cho nông nghiệp, sự thiếu hụt phân bón, hệ thống tưới tiêu và tiếp cận thị trương là những trở ngại chủ yếu.
Bà Sheeran cho rằng chính phủ các nước đang phát triển cần dành tối thiểu 10% ngân sách tương lai cho nông nghiệp để tăng sản lượng. Bên cạnh đó, một số chuyên gia dự báo các nước khác có thể theo chân Pakixtan sử dụng lại thẻ phân phối lúa mì được trợ giá.
Thủ tướng Gordon Brown nhấn mạnh việc sản xuất nhiên liệu sinh học cần được khẩn trương xem xét lại. Ông thừa nhận Anh trong tháng này đã đề ra mục tiêu sản xuất 5% nhiên liệu từ nhiên liệu sinh học vào năm 2010, nhưng nói rằng Chính phủ Anh và chính phủ các nước khác cần xem xét lại chính sách này.
Tạp chí Nhà kinh tế lưu ý rằng nhìn chung chính phủ các nước nên tự do hóa thị trường thay vì tiếp tục can thiệp như trước đây. Bởi kết quả của các biện pháp can thiệp của chính phủ các nước -lần này là trợ giá nhiên liệu sinh học ở các nước giàu- đã khiến cho giá nông sản tăng vọt trần. Chính phủ các nước chỉ càng làm trầm trọng thêm vấn đề khi áp đặt hạn ngạch xuất khẩu và hạn chế thương mại, khiến cho giá nông sản lại tăng hơn nữa.
Nông nghiệp hiện trong trạng thái bấp bênh. Thời kỳ giá lương thực thấp cũng đã qua. Nhưng việc thực thi những chính sách hợp lý, hiệu quả và may mắn sẽ mang lại sự cân bằng mới cho thị trường nông sản, qua đó góp phần đáng kể khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Nguồn:Internet