menu search
Đóng menu
Đóng

Giảm chi phí để hạ giá gạo trên thị trường

16:16 19/05/2008
Sau khi cơn sốt gạo bị đẩy lùi, nhiều loại gạo ngon như Hải Hậu, Bắc Hương, tám Thái Lan…tuy không thiếu, nhưng giá vẫn tăng khoảng 10-15%, thậm chí có loại tăng 20% so với trước.
Sở dĩ giá cả có biến động phức tạp là do người tiêu dùng chủ yếu sử dụng gạo chất lượng cao, trong khi diện tích và sản lượng gạo ngon chỉ có hạn, chi phí đầu vào cho nông nghiệp tăng cao.
Tại các đại lý gạo trên địa bàn Hà Nội hầu hết giá cả đều tăng từ 20 đến 30% so với thời điểm trước “cơn sốt”. Chẳng hạn, gạo Bắc Hương trước được bán ra với giá 11.000 đồng/kg, nay đã lên đến 14.000 đồng/kg. Gạo tăng nên những mặt hàng được chế biến từ gạo như bánh phở cũng tăng từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg, bún khô đóng gói tăng thêm 1.000 đồng đến 1.500 đồng/gói. Không những thế, việc tăng giá theo kiểu dây chuyền ở những mặt hàng không được chế biến từ gạo cũng đã xuất hiện rải rác đối với một số mặt hàng như mì gói, rượu bia, nước ngọt và đường.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: việc giá cả hàng hóa dịch tư thương đang chiếm lĩnh 95% thị phần hàng tiêu dùng Hà Nội, trong khi hệ thống phân phối của các doanh nghiệp rời rạc, không có dự trữ. Chính phủ và các ban ngành đã có nhiều biện pháp ngăn chặn cơn sốt gạo ảo nhưng lại chưa có biện pháp hữu hiệu để kéo giá các mặt hàng, dịch vụ “ăn theo” xuống.
Để bình ổn giá gạo trên thị trường, hiện Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực Hà Nội đã cam kết bán gạo với giá ổn định đến hết tháng 5/2008. Đại điện Tổng công ty Lương thực miền Bắc khẳng định không tăng giá gạo; bởi lượng gạo bán trong thời gian này là do đơn vị thu mua trước khi xảy ra cơn sốt gạo trên thị trường. Trong những tháng tới, nếu các nhà cung cấp tăng giá, đơn vị sẽ giảm các chi phí không hợp lý để hạ giá bán gạo ra thị trường.
Ông Phạm Bá Dục - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: để hạn chế việc đầu cơ, tăng giá hàng hóa, lực lượng chức năng Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là kiểm tra trên khâu lưu thông các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá đối với các mặt hàng Nhà nước quy định thống nhất về giá mua, giá bán, việc chấp hành về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra nhãn hàng hóa, định lượng, chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố…QLTT sẽ xử phạt nghiêm minh các hành vi lợi dụng, đầu cơ nâng giá.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam