menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hoá thế giới tuần 21-28/5: CRB tăng tuần thứ 3 liên tiếp

23:00 28/05/2011

Giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, là tuần thứ 3 liên tiếp tăng, do dầu thô duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Ngũ cốc tăng giá khá mạnh do lo ngại về thời tiết.
    * Dầu thô duy trì trên 100 USD/thùng
    * Đồng và ngũ cốc tăng khoảng 2%
    * Chỉ số CRB giảm 7% so với đầu tháng
    * Thị trường theo dõi số liệu về sản xuất tháng 5 của Mỹ, sẽ công bố vào ngày 31/5

(VINANET) - Giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, là tuần thứ 3 liên tiếp tăng, do dầu thô duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Ngũ cốc tăng giá khá mạnh do lo ngại về thời tiết.

Chỉ số giá hàng hoá CRB Reuters-Jefferies CRB tăng 1% trong ngày và tăng 1,4% trong tuần, là tuần thứ 3 liên tiếp tăng, song sẽ tiến tới tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2010, do khủng hoảng nợ Châu Âu tiếp tục phủ bóng tối lên thị trường hàng hoá.

Chỉ số CRB đã tăng tổng cộng 2,6% trong 3 tuần vừa qua. Các thương gia cho rằng chỉ số này sẽ bù lại được một phần mức giảm trong tháng vào mấy phiên giao dịch cuối cùng của tháng.

Phiên cuối tuần, khối lượng giao dịch không nhiều, bởi thị trường Mỹ sắp bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, gồm 2 ngày cuối tuần và ngày thứ 2 (30/5).

Đồng USD yếu cũng kích thích hoạt động mua hàng hoá. Euro tăng so với USD, bởi các quan chức Châu Âu cho biết Hy Lạp sẽ giải quyết được món nợ khổng lồ mà không cần tái cơ cấu.

Trong tháng qua, thị trường hàng hoá đã chứng kiến phiên giảm điểm lịch sử hôm 5/5, khi giá dầu giảm tới 12 USD/thùng trong 1 ngày, do lo ngại kinh tế toàon cầu sẽ tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, thị trường hàng hoá đang dần lấy lại được phong độ.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô tuần qua duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. JPMorgan tin rằng OPEC chắc chắn sẽ tăng hạn ngạch sản xuất lên 27 triệu đến 27,5 triệu thùng/ngày tại cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 8/6 tại Vienne. Hãng này đã điều chỉnh tăng mức dự báo về giá dầu Brent trong 12 tháng tới lên 130 USD/thùng từ mức 107 USD/thùng.

Dầu thô có thể tăng giá trong tuần tới, sau khi Goldman và Morgan Stanley đều điều chỉnh tăng mức dự báo về giá dầu trong tương lai.

14 trong số 36 nhà phân tích (36%) được Bloomberg phỏng vấn cho rằng giá dầu sẽ tăng cho tới 3/6. 12 người (33%) cho rằng giá sẽ giảm.

Dầu Brent đã tăng giá 21% trong năm nay, do bạo loạn ở Trung Đông và Bắc Phi gây lo ngại về nguồn cung.

Vàng và bạc tăng giá trong phiên giao dịch cuối tuần do lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể gây trì trệ kinh tế toàn cầu. Bạc tăng giá hơn 2%. Nhiều khả năng vàng sẽ tái lập mức kỷ lục cao 3 tuần.

Về thông tin liên quan tới vàng, sản lượng vàng của Zimbabwe dự báo sẽ tăng 35% trong năm nay, mặc dù thiếu vốn, thiếu điện và chi phí sản xuất tăng.

Trên thị trường ngũ cốc, giá lúa mì xuân tăng 3 liên tiếp 3 phiên cuối tuần, lên mức cao kỷ lục kể từ 2008, do thời tiết mưa lũ làm cho việc gieo trồng bị chậm lại. Nhu cầu mạnh cũng đẩy giá ngô tăng lên.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin thông báo, Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm từ 1/7 tới. Ông nhấn mạnh, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc là một trong các biện pháp để thúc đẩy tiềm năng của ngành nông nghiệp Nga.

Nga đã ngừng xuất khẩu ngũ cốc vào ngày 15/8/2010 sau khi hạn hán phá hủy mùa màng tại một số khu vực trồng lương thực của nước này.

Tổng sản lượng thu hoạch được trong mùa vụ 2010 đạt 60,9 triệu tấn, giảm 37% so với năm trước đó.

Lệnh cấm này trước đó dự kiến kéo dài đến cuối năm 2010. Tuy nhiên, chính phủ quyết định tiếp tục giới hạn việc xuất khẩu để xác định xem mùa vụ mới có đủ khả năng để xuất khẩu.

Đầu tháng này, Thủ tướng Putin cũng cho biết, việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Nga sẽ phụ thuộc vào mùa vụ năm nay và nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Các nhà nhập khẩu ngũ cốc Châu Á đang theo dõi diễn biến thời tiết ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.

Giá gạo Châu Á tuần qua vững đến giảm nhẹ. Nguồn cung từ hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam đang khá cao.

Tại Thái Lan -nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- nhu cầu từ khách hàng Châu Phi ngăn giá giảm mạnh, mặc dù cung dồi dào. Thái Lan bắt đầu bước vào vụ thu hoạch thứ 2, sẽ cho sản lượng khoảng 9 triệu tấn lúa (6 triệu tấn gạo), cao nhất từ trước tới nay. Vụ này sẽ thu hoạch cao điểm vào tháng 6.

Gạo trắng 100% B của Thái chào giá 490 đô la/tấn, giảm khoảng 10 đô la so với 500 đô la/tấn tuần trước. Gạo đồ 100% cũng có mức giá tương tự.

Xuất khẩu gạo Thái tính tới ngày 9/5/2011 đạt 4,577 triệu tấn tăng 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Việt Nam -nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, nguồn cung lúc này khá dồi dào. Lượng tồn kho cao hơn so với nhu cầu bốc xếp. Mặc dù vậy, giá cũng không giảm mạnh, thậm chí giá gạo trên thị trường nội địa tăng nhẹ.

Gạo 5% tấm xuất khẩu giá hiện ở mức 460-465 đô la/tấn, thấp hơn khoảng 1,5% so với mức 465-475 đô la/tấn một tuần trước đây. Trong khi đó gạo 25% tấm giá vững ở 430 đô la/tấn (tuần trước là 425-440 đô la/tấn).

Vụ hè-thu ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch cao điểm vào tháng 7. Đây là vụ lúa lớn thứ 2 trong năm, sau vụ đông-xuân -vừa kết thúc tháng vừa qua. Hiện trong kho của các nhà xuất khẩu còn khoảng 1 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm nay tăng khoảng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,36 triệu tấn. Trị giá cũng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 1,66 triệu tấn. Với kết quả này, mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay đã được điều chỉnh tăng lên kỷ lục cao, khoảng 7,1 triệu đến 7,4 triệu tấn.

Về những thông tin liên quan tới gạo, Myanmar vừa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đã áp dụng từ ngày 24/4/2011, và dự kiến sẽ xuất khẩu 500.000 tấn gạo chất lượng trung bình trong năm nay. Có nhiều khả năng các nước thu nhập thấp ở châu Phi, và kể cả Iraq, Philippines sẽ chuyển hướng sang mua gạo Myanmar bởi giá cả hợp lý.

Bộ Lương thực Ấn Độ quyết định không xuất khẩu gạo và lúa mì từ dự trữ quốc gia, trái với dự báo của nhiều thương gia. Bộ trưởng Bộ Lương thực Ấn Độ – K V Thomas cho biết quốc gia này đang chuẩn bị cho dự thảo luật an ninh lương thực, họ cần có đủ dự trữ và tất cả các quyết định về xuất khẩu sẽ được xem xét dựa trên cơ sở đó

Ấn Độ đang ở giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo một dự luật an ninh lương thực nhằm bảo đảm cung cấp các loại ngũ cốc giá rẻ cho 70% dân số.

Ấn Độ đã duy trì lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và các loại gạo phổ biến trong ba năm qua, nhưng trữ lượng lương thực lớn đã khiến chính phủ xem xét và cân nhắc xuất khẩu một lượng nhất định. Dự kiến sản lượng ngũ cốc của Ấn Độ năm nay đạt 235.9 triệu tấn, trong khi dự trữ nhiều hơn gấp đôi so với lượng yêu cầu cho các chương trình phúc lợi của chính phủ.

Lượng thực phẩm ngũ cốc hàng năm yêu cầu cho các chương trình phúc lợi xã hội sẽ tăng lên khoảng 82 triệu tấn từ 61 triệu tấn khi đạo luật mới được thực thi.

Giá điều thô và điều nhân trên thị trường thế giới tuần qua tăng nhẹ, do nhu cầu mua điều thô từ Ấn Độ, Việt Nam và Brazil.

Khách hàng Brazil đang mua khoảng 30.000-50.000 tấn, làm gia tăng sự cạnh tranh mua điều nhân Tây Phi vốn chỉ có giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Nguồn cung điều nhân chất lượng cao rất ít. Tỷ lệ điều nhân trên mỗi kg điều thô ở Bờ Biển Ngà năm nay thấp hơn so với năm ngoái, khiến tỷ lệ điều loại 1 giảm, trong khi tỷ lệ điều loại 2 và 3 tăng lên. Nguyên nhân do việc thu hoạch và vận chuyển gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn nội chiến vừa qua.

Tuy nhiên, triển vọng thị trường điều thế giới thời gian tới có nhiều bất ổn. Nguồn cung khan hiếm, song giá sẽ tiếp tục bấp bênh.

Giá điều đã tăng mạnh trong 18 tháng qua, với mức tăng cao hơn gần 50% so với trung bình 5 năm qua, đang ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường.

Đường đảo chiều tăng giá ngoạn mục, do sản lượng ở khu vực sản xuất chính của Brazil giảm 17% xuống 1,55 triệu tấn trong nửa đầu tháng 5. Đường thô đã tái thiết lập mức cao kỷ lục 1 tháng, nhờ còn được hậu thuẫn bởi nhu cầu tăng.

Mặc dù gần đây có nhiều dự báo rằng sản lượng tăng từ Brazil, Thái Lan và Ấn Độ - những quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, song các nhà chuyên môn cho biết lượng dự trữ trên toàn cầu hiện vẫn thấp, trong khi thời tiết diễn biến thất thường. Do vậy, đường đang trong giai đoạn rất dễ nhạy cảm với bất kỳ thông tin nào, và giá sẽ duy trì ở quanh mức 20 US cent/lb.

Cà phê giảm giá trong phiên giao dịch cuối tuần, song tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,8%. Cacao cũng tăng 2,3% trong tuần.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về sản lượng vụ cacao 2011/12 của Bờ Biển Ngà.

Trên thị trường kim loại, đồng tái thiết lập kỷ lục cao 3 tuần. Đồng đã tăng giá 2 tuần liên tiếp, hậu thuẫn cho những kim loại khác tăng giá theo.

Dự trữ đồng tại Thượng Hải giảm 8,7% so với một tuần trước đây. Dự trữ nhôm ở London cũng giảm. Các nhà phân tích cho rằng cần phải có lượng dự trữ kim loại lớn lúc này, bởi sản xuất sắp bước vào mùa thiếu điện, trong khi nhu cầu diễn biến thất thường.

Giá cao su tuần qua đã thiết lập kỷ lục cao 1 tháng, theo xu hướng tăng của giá dầu. Hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tại Tokyo (TOCOM) hôm 26/5 đã đạt 392,2 Yen/kg, cao chưa từng có kể từ ngày 28/4/2011.

Tại Ấn Độ, giá cao su hiện ở mức 222 Rupee/kg, chắc chắn sẽ giảm xuống chỉ 200 Rupee trong tương lai gần, do sản lượng trong nước tăng và giá nhập khẩu cũng rẻ hơn.

Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ vụ 2011/12 dự kiến đạt 902.000 tấn. Hiện mỗi ngày Ấn Độ nhập khẩu 1.000 tấn cao su

Trong thời gian tới, cao su sẽ chịu tác động từ hai yếu tố trái chiều: nhu cầu yếu từ Trung Quốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, và sản lượng cao su toàn cầu không cao như dự đoán.

Hiệp hội Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) vừa điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp dự báo về mức tăng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2011 xuống 9,936 triệu tấn, tức là thấp hơn 5,8% so với 10,025 triệu tấn dự báo cách đây 1 tháng, và thấp hơn 6,4% so với dự báo một năm trước đây. Sản lượng năm 2010 là 9,47 triệu tấn.

Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng của Indonesia và Philippines sẽ không cao như dự kiến.

Sản lượng của Indonesia được dự báo sẽ chỉ đạt 2,891 triệu tấn, thấp hơn mức 2,972 triệu tấn dự báo cách đây một tháng, trong khi sản lượng của Philippine được cho là sẽ đạt 107.000 tấn, so với 114.000 tấn dự báo trước.

Giá hàng hóa thế giới:

Hàng hóa

ĐVT

Giá 28/5

Giá 21/5

+/-(so theo năm)

CRB

 

346,270

344,440

4,0%

Dollar

 

 74,837

 75,904

 -5,3%

Dầu thô WTI

USD/thùng

 100,71

 101,18

 10,2%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

115,01

114,80

 21,4%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

4,518

4,379

2,6%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1536,30

1526,70

8,1%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1535,80

1524,00

8,2%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

758,50

742,25

 20,6%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

 1379,75

 1377,00

 -1,0%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

819,75

796,50

3,2%

Cà phê Mỹ

 US cent/lb

 263,70

 264,85

9,6%

Cà phê London

USD/tấn

 2598,00

2591,00

95,05

Cacao Mỹ

USD/tấn

2969,00

2962,00

 -2,2%

Cacao London

GBP/tấn

1836,00

 2995,00

 -19,15

Đường Mỹ

US cent/lb

22,99

22,64

-28,4%

Đường London

USD/tấn

 659,90

649,00

-7,08

Nhân điều W320

USD/lb

4-4,10

3,95-4

 

Nhân điều nứt

USD/lb

3,60

3,45-3,50

 

Nhân điều vỡ

USD/lb

3,50

3.25-3,35

 

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 37,863

 37,642

 22,4%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1800,00

1779,80

1,2%

Palladium Mỹ

USD/ounce

 759,90

 747,35

 -5,4%

Đồng Mỹ

US cent/lb

 418,60

 410,70

 -5,9%

Đồng LME

USD/tấn

 9199,00

 9046,25

 -4,2%

 Nhôm LME

USD/tấn

2624,50

16745,00

6,26

Chì LME

USD/tấn

2505,00

2510,00

 -1,76

Nickel LME

USD/tấn

 23090,00

 30,00

 -6,71

Thiếc LME

USD/tấn

27450,00

27850,00

2,04

Kẽm LME

USD/tấn

2273,00

2242,00

 -7,38

 Nhôm SHFE

NDT/tấn

 16730,00

16745,00

 -0,65

Đồng SHFE

NDT/tấn

 68660,00

 67820,00

 -4,44

Kẽm SHFE

NDT/tấn

 17450,00

 

-10,40

 Thai RSS3 (T6)

USD/kg

5,15

 5,10

 

 Thai STR20 (T6)

USD/kg

 4,60

4,55

 

 Malaysia SMR20 (T6)

USD/kg

 4,55

4,55

 

 Indonesia SIR20 (T6)

USD/lb

2,06

 2,05

 

(T.H – Reuters, Bloomberg)