menu search
Đóng menu
Đóng

Kim ngạch xuất khẩu nông, thuỷ sản năm 2011: Dần tới mức ngưỡng

15:20 25/01/2011
Kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2011 chỉ đưa ra mục tiêu tăng kim ngạch 1,2%. Điều này phần nào cho thấy, nhóm sản phẩm này đang dần chạm ngưỡng.
Kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2011 chỉ đưa ra mục tiêu tăng kim ngạch 1,2%. Điều này phần nào cho thấy, nhóm sản phẩm này đang dần chạm ngưỡng.
Có 9 mặt hàng nông sản, thủy sản chính được Bộ Công thương liệt kê trong bảng kế hoạch xuất khẩu các nhóm mặt hàng năm 2011. Đó là thủy sản, rau quả, nhân điều, cà phê, chè các loại, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su. Trong đó, thủy sản xuất khẩu năm 2010 đạt giá trị lớn nhất, với 4,95 tỷ USD. Tiếp theo là gạo (với kim ngạch 3,2 tỷ USD), cao su (2,37 tỷ USD), cà phê (1,7 tỷ USD)…
Theo kế hoạch xuất khẩu năm 2011, nhóm mặt hàng nông, thủy sản chỉ tăng 1,2% so với năm 2010. Cụ thể, thủy sản tăng 5% về kim ngạch (chỉ tiêu 5,2 tỷ USD), cà phê tăng 5% về kim ngạch (chỉ tiêu 1,8 tỷ USD), nhân điều tăng 1,2% về kim ngạch (chỉ tiêu 1,15 tỷ USD), sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 6% về kim ngạch (590 triệu USD)…
Đáng chú ý là, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm nông sản là gạo lại được đặt chỉ tiêu khiêm tốn là giảm 7% về kim ngạch so với với năm trước (chỉ tiêu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD). Tương tự, cao su cũng giảm 4% so với năm 2010, khi dự kiến sẽ có kim ngạch xuất khẩu là 2,3 tỷ USD.
Có một điểm đáng chú ý mà lãnh đạo của các hiệp hội ngành hàng đã phân tích là, sản lượng xuất khẩu của các nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam dường như đã chạm ngưỡng, khi không còn được mức tăng lớn nữa. Đơn cử, như mặt hàng cà phê, năm 2009 Việt Nam xuất khẩu được 1,18 triệu tấn thì năm 2010 con số này là 1,17 triệu tấn. Mục tiêu mà Bộ Công thương đề ra với xuất khẩu mặt hàng này năm 2011 cũng chỉ là 1,15 triệu tấn. Với diện tích trồng cà phê ổn định và năng suất không biến động như hiện nay, thì nhiều khả năng sản lượng xuất khẩu, xoay quanh mốc 1,1 triệu tấn/năm sẽ vẫn được giữ trong một thời gian dài nữa.
Với mặt hàng chiến lược là gạo, năm 2009 Việt Nam xuất khẩu được 5,95 triệu tấn, năm 2010 con số này được đẩy lên tới 6,8 triệu tấn, nhưng năm 2011 mục tiêu được đề ra chỉ là 6,1 triệu tấn. Bên cạnh việc  đảm bảo an ninh lương thực trong nước, sản lượng gạo xuất khẩu phụ thuộc vào sản lượng trong nước khá lớn. Năng suất lúa ở Việt Nam hiện đã được coi là đạt mức trần, trong khi diện tích canh tác khó có thể tăng thêm, nên khả năng tăng sản lượng mặt hàng này sẽ không còn.
Năm 2009, cả nước xuất khẩu 134.000 tấn chè, năm 2010 là 135.000 tấn và năm 2011 đặt mục tiêu xuất khẩu 140.000 tấn.
Trước bối cảnh không tăng được sản lượng các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu, thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm (được coi là có lợi thế của Việt Nam) đang phụ thuộc rất nhiều vào giá thị trường thế giới. Đây cũng là điều khiến các DN xuất khẩu của Việt Nam băn khoăn, bởi nhiều mặt hàng Việt Nam dù giữ thị phần chi phối trên thị trường thế giới, nhưng lại không có khả năng chi phối về giá.
Điều này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách xuất khẩu, nhất là với mặt hàng nông, thủy sản, nhiều bài toán khó trong thời gian tới. Chẳng hạn, với mặt hàng cà phê, việc thu mua dự trữ là điều quan trọng nhất quyết định tới hiệu quả xuất khẩu. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao việt Nam cho rằng, chính sách về tín dụng cho các DN xuất khẩu cà phê sẽ là “bệ đỡ” có tác động lớn tới hiệu quả hoạt động của xuất khẩu mặt hàng này.
Hay như với gạo, những biện pháp để ngăn chặn các DN trong nước lao vào cuộc chạy đua giảm giá xuất khẩu được ban hành cần phải được thực hiện nghiêm túc. Quy định về giá sàn xuất khẩu gạo trong từng giai đoạn sẽ giúp cho các DN giữ được thị trường và lợi nhuận, qua đó giúp người sản xuất lúa bán được hàng với giá cao hơn.
Với mặt hàng thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông báo một kế hoạch táo bạo của VASEP: cắt giảm sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2011. “Đây là hành động sẽ giúp giữ được giá xuất khẩu và cũng giúp cho các DN tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Dũng giải thích.
Nhìn chung, các mặt hàng nông, thủy sản có những đóng góp rất quan trọng trong thời gian qua với xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trước khả năng tăng kim ngạch của nhóm này không còn lớn, các nhà hoạch định chính sách đã và đang tìm các mặt hàng khác để xuất khẩu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày