menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế trong nước ngày 30/7/2009

08:41 31/07/2009

*Standard Chartered dự báo lạm phát tại Việt Nam

Theo nhận định trong bản báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered: Lạm phát tại Việt Nam trong tháng 6 đã giảm xuống 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng sẽ giảm sâu hơn, xuống mức dưới 3% trong những tháng tới, nếu giá năng lượng và thực phẩm vẫn tiếp tục duy trì như hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Standard Chartered cho rằng, dù lạm phát không còn là mối đe dọa trước mắt nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ diễn biến từ nay đến cuối năm.

*Phiên giao dịch ngày 30/07: VN-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp, dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường

Trong phiên giao dịch ngày 30/7, VN-Index đã có phút hồi phục nhẹ vào giữa phiên sau đó đóng cửa giảm 6,13 điểm xuống 451,91 điểm, thấp hơn 0,09 điểm so với giá mở cửa. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên trước, đạt 31,547 triệu cổ phiếu.

Lực cầu về cổ phiếu chỉ tăng nhẹ trong một khoảng thời gian rất ngắn, sau đó lại chậm lại. 101 mã giảm điểm với hầu hết là các cổ phiếu chủ chốt trên sàn. Trong khi đó, 29 mã tăng giá hầu hết là các penny stocks.

Nếu thanh khoản trong những ngày tới chưa thực sự được cải thiện, VN-Index khó có thể tiến tới ngưỡng 500 điểm như dự báo lạc quan của một số nhà đầu tư. Hiện tại, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng từ TTCK Mỹ, ngày 01/08 tới là ngày chính thức hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các NHTM tại NHNN từ 3,6% xuống 1,2%, dịch cúm H1N1 bắt đầu lan đến các công sở...Yếu tố hỗ trợ lớn đối với TTCK Việt Nam hiện nay là hành động liên tục mua ròng của khối ngoại.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index đã không thể trụ vững tại ngưỡng 150 điểm khi để mất 3,23 điểm (-2,12%) xuống còn 148,91 điểm. Sau 3 phiên giảm liên tiếp, chỉ số này đã mất đi tổng cộng 12,14 điểm.

Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 148 mã giảm giá, 38 mã tăng giá và 23 mã giảm giá.

*Thị trường vàng trong nước: Giá vàng lùi dần về mốc 21 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 30/7 tiếp tục hạ từ 70-100.000 đồng/lượng và lùi dần về mốc 21 triệu đồng/lượng.

Chi nhánh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nội vào sáng nay niêm yết giá ở mức 20,96 – 21,04 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua giảm 80.000 đồng/lượng và giá bán giảm 70.000 đồng/lượng so với 29/7.

Giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 21,02 –  21,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua giảm 10.000 đồng/lượng và giá bán giảm 30.000 đồng/lượng.

Giá vàng SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ được niêm yết ở mức 20,94 – 21,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá mua giảm 100.00 đồng/lượng và giá bán giảm 100.000 đồng/lượng.

*Theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2009, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn làm cho họat động xuất nhập khẩu (XNK), xuất nhập cảnh (XNC) trên địa bàn Quảng Trị giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo Cục Hải quan Quảng Trị, mặc dù số thu giảm, nhưng nhiều lĩnh vực họat động của đơn vị đạt hiệu quả cao. Theo Cục Hải quan Quảng Trị, điểm nổi bật trong công tác quản lý hàng hóa XNK tại khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo trong 6 tháng đầu năm là việc triển khai Quyết định số 128/2009/QĐ-BTC (ngày 19/1/2009) của Bộ Tài chính, theo đó hàng hóa xuất khẩu vào khu kinh tế thương mại Lao Bảo áp dụng cơ chế mới cho phép doanh nghiệp XK hàng hóa vào khu Lao Bảo được hoàn thuế.

*Đề xuất 3 phương án điều hành giá xăng dầu

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, các phương án được đưa ra đều có ưu nhược điểm, do đó để chọn một phương án tối ưu là một việc hết sức khó khăn.

Bộ Tài chính đã đưa ra 3 phương án liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn cần đến sự điều tiết của Nhà nước. Đó là:  Thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối phải tham gia bình ổn giá ngay từ trước khi điều chỉnh giá. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp giá có biến động bất thường; thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối được phép điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 10%. Trên mức này, doanh nghiệp được phép điều chỉnh có mức độ, phần giá vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá. Nhà nước cũng chỉ can thiệp khi giá có biến động bất thường, tạo khả năng cân bằng tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp; Phương án 3 cũng tương tư với phương án 2,  chỉ khác là biên độ tăng được tính từ 7 - 12%.  Cụ thể, thông qua nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá theo thị trường trong phạm vi đến 7%, trên mức này, doanh nghiệp được phép điều chỉnh có mức độ, phần vốn biến động còn lại sẽ xử lý thông qua quỹ bình ổn giá.

Nguồn:Vinanet