menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy?

14:39 07/04/2009
Quý I/2009 vừa mới kết thúc, các số liệu kinh tế trong quý vừa qua vẫn chưa được công bố hoàn chỉnh, nhưng điều mà các nước đang quan tâm chính là “nền kinh tế Trung Quốc liệu đã chạm đáy?’.
Hôm 6/4, hãng Reuters lạc quan cho rằng, một vài số liệu cho thấy kinh tế thế giới đã bước ra khỏi giai đoạn tồi tệ nhất, đặc biệt là Trung Quốc đã có những dấu hiệu tích cực. Một số người cho rằng kinh tế trong quý I của Trung Quốc sẽ chạm đáy. Nhưng quan điểm khác lại cho rằng, kết luận trên đưa ra dường như hơi sớm.

Theo báo cáo dự đoán của Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, GDP của Trung Quốc trong quý I/2009 sẽ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, báo cáo còn cho biết, nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy. Ngoài ra, theo một vài số liệu khác, trong tháng 3/2009, chỉ số quản lý thu mua của ngành chế tạo PMI là 52,4%, tăng 3,4% so với tháng trước. Điều này cho thấy chỉ số PMI này đã liên tục tăng trong 4 tháng liên tiếp.

Nguồn tin của Reuters hôm 6/3 cho biết, một vài số liệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế toàn cầu đã qua. Doanh thu kinh doanh mà các nhà máy của Mỹ và Trung Quốc công bố gần đây đều đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục. Hôm 5/4 báo chí của Đức cho biết, nền kinh tế của Trung Quốc đang bước vào cánh cửa của sự phục hồi, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc đã có hiệu quả. Một chuyên gia của Sở nghiên cứu kinh tế thế giới của Đức trả lời phỏng vấn của “Thời báo toàn cầu” cho biết, những số liệu và quan điểm của giới kinh tế thế giới trên gần như tương đồng, tức là cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã “chạm đáy”. Hai chính sách giảm thuế xuất khẩu và kích cầu nội địa mà Trung Quốc áp dụng thực sự có hiệu quả. Ngành ngân hàng của Trung Quốc cũng vững mạnh, hơn nữa, Trung Quốc có thể tiếp tục nâng cao sức mạnh kinh tế, có vai trò tích cực cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, “Nhật báo phố Wall” của Mỹ hôm 6/4 lại cho rằng, đối mặt với những ảnh hưởng do sự sụp đổ của thương mại toàn cầu gây ra, cho đến nay những chứng cứ nền kinh tế của Trung Quốc đã phục hồi vẫn chưa được chứng minh một cách xác thực, chỉ số PMI trong lĩnh vực chứng khoán đã giảm từ 45,1% xuống còn 44,8% cho thấy chỉ số này vẫn tiếp tục thu hẹp. Giá trị sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm của Trung Quốc tăng 3,8%, vẫn thấp hơn so với dự báo. Chỉ số PMI tăng trong tháng 3 mà các quan chức của Trung Quốc đưa ra sau khi đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ, đã gây ra sự hoài nghi với thế giới bên ngoài. Báo cáo cho rằng, dấu hiệu đảo ngược của thị trường cổ phiếu phổ thông Trung Quốc không hẳn là dấu hiệu của sự phục hồi mà là do vốn của các gói kích cầu từ các ngân hàng rót vào. Báo “Thương mại” của Đức cũng cho rằng, trong khi nền kinh tế của các nước phát triển như Mỹ vẫn chưa chạm đáy, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đang trong giai đoạn “chuẩn bị phục hồi mà thôi”.

Phía Hàn Quốc cũng cho rằng, “Hiện tại nói nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy là hơi sớm, số liệu kinh tế trong quý I/2009 vẫn chưa được công bố, tôi cho rằng phải chờ đến hết 6 tháng đầu năm mới có thể đánh giá hết”. Sự phụ thuộc vào bên ngoài của Trung Quốc khá cao, cho nên xuất khẩu có dấu hiệu chuyển biến tốt thì mới có thể có dấu hiệu phục hồi. Hiện nay, xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, không thể chỉ dựa vào thị trường chứng khoán tăng điểm để phán đoán nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy. Bởi vì kinh tế và thị trường cổ phiếu của Trung Quốc chưa hề có mối quan hệ nhân quả nào, thị trường chứng khoán không thể là chỉ tiêu đầu tiên của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo ông Hà Vĩ Văn chuyên gia nghiên cứu kinh tế mở cửa của Trung Quốc cho biết, xu thế của nền kinh tế Trung Quốc là chuyển biến theo hình chữ “W”, “Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị cho sự chuyển ngoặt, khó khăn nhất vẫn là thị trường xuất khẩu không tốt, những chiều hướng tốt trong mấy tháng qua của Âu – Mỹ không thể thay thế xu thế toàn bộ”. Ông Hà nhấn mạnh, mặc dù vẫn còn không gian để cắt giảm lãi suất, nhưng chính sách nới lỏng tín dụng mới là điều mấu chốt.

( Vitinfo)

Nguồn:Internet