menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu nông sản 4 tháng đầu năm đạt khoảng 5 tỷ USD

15:59 21/05/2010
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng trong tháng 4-2010, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản và vật tư, nguyên liệu chủ yếu đã lên tới 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này trong bốn tháng đầu năm khoảng 5 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng trong tháng 4-2010, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản và vật tư, nguyên liệu chủ yếu đã lên tới 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này trong bốn tháng đầu năm khoảng 5 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Mặt hàng nông sản có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất là cao-su và bông, đều tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bốn tháng qua đã có 636 nghìn tấn lúa mì được nhập về Việt Nam với giá trị 155 triệu USD, tăng 61% về lượng và 56% về giá trị. Ngoài ra, các mặt hàng khác như: gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị nhập khẩu tăng 51,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 30,2%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng 38%...
 
Nhiều mặt hàng thực phẩm nhập khẩu để tiêu dùng là những mặt hàng không thiết yếu, không khuyến khích nhập khẩu. Nhất là mặt hàng thịt và sản phẩm thịt, đồ uống (rượu, bia, nước ngọt...), rau, quả, bánh kẹo và các chế phẩm ăn được khác.
 
Nguyên nhân lượng nông sản và thực phẩm nhập khẩu tăng mạnh một phần là do đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nhu cầu đối với hoa quả cao cấp, thực phẩm từ các nước phát triển ngày càng cao. Thêm vào đó là tâm lý lo ngại các sản phẩm trong nước không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm càng làm cho lượng nông sản nhập khẩu có xu hướng tăng.
 
Việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản tăng đang gây áp lực mạnh tới nhiều ngành sản xuất nông nghiệp trong nước và ảnh hưởng đến việc làm của nhiều lao động. Trong khi đó, do ngành công nghiệp chế biến trong nước còn yếu nên nông sản, thực phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, sức cạnh tranh thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi mua nguyên liệu về chế biến thành sản phẩm rồi xuất trở lại Việt Nam với giá cao. Vì vậy, nếu nhập khẩu tiếp tục tăng thì chúng ta sẽ mất đi một nguồn ngoại tệ đáng kể mà xuất khẩu với năng lực cạnh tranh và giá trị thấp không thể bù đắp được.
 
Do vậy, để kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, nhất thiết phải tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm nhập thông qua việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất phải là siết chặt, bổ sung các quy định về kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động kiểm tra kiểm soát, đầu tư thêm máy móc, kho chứa và nhân lực tại các cửa khẩu để vừa kiểm soát nhập siêu vừa kiểm soát chất lượng, vệ sinh thực phẩm.
 
Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh công tác thực thi chính sách về quản lý chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu. Bởi lẽ dù các chính sách, các văn bản pháp luật có hệ thống đến thế nào đi chăng nữa nhưng khâu thực thi kém thì cũng không thể đạt được mục tiêu mong muốn. Ðồng thời sớm ban hành văn bản phân định rõ chức năng quản lý, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nông sản nhập khẩu để có sự thống nhất trong thực hiện, tránh sự chồng chéo vừa lãng phí nguồn lực quản lý vừa không hiệu quả.
 
Thực hiện tốt các giải pháp trên đây không chỉ đơn thuần là làm giảm con số nhập khẩu đang tăng mạnh trong bốn tháng qua mà điều quan trọng hơn là góp phần quan trọng vào việc ổn định thị trường tiêu thụ cho các ngành sản xuất nông nghiệp trong nước và bảo đảm việc làm, thu nhập cho nông dân.
 

Nguồn:Tin nhanh hàng ngày