menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều giải pháp tìm đầu ra cho vụ vải thiều năm 2015

09:32 13/05/2015

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhằm tìm đầu ra cho vụ vải thiều năm 2015, Bộ Công Thương đã cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều biện pháp để có thể tiêu thụ hết vải thiều cho nông dân.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhằm tìm đầu ra cho vụ vải thiều năm 2015, Bộ Công Thương đã cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều biện pháp để có thể tiêu thụ hết vải thiều cho nông dân.

Ước tính, tổng sản lượng vải thiều năm 2015 sẽ đạt trên 200.000 tấn quả tươi, trong đó thời gian thu hoạch từ ngày 15/5 đến 5/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), do vậy liên bộ Công Thương-Nông nghiệp và phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị nhằm triển khai các giải pháp giúp tiêu thụ vải thiều niên vụ 2015.

Dự kiến sẽ có khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả vải tươi) được tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Có thể thấy, trong năm 2014, với sự phối hợp và vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng thì đầu ra cho quả vải đã được giải quyết tốt hơn trên thị trường trong nước, qua đó giảm áp lực cho việc xuất khẩu tiêu thụ quả vải thiều trong thời gian chính vụ.

Thống kê cho thấy, với sự vào cuộc và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp..., mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam 60.000 tấn, chiếm gần 43,5% lượng tiêu thụ nội địa.

Đáng lưu ý, nhờ mở kênh tiêu thụ trong nước, nhất là đưa vào khu vực phía Nam, công tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 đã diễn ra thuận lợi và thành công. Vải đã giữ được giá, tạo hiệu ứng tốt cho việc tiêu dùng sản phẩm trong nước nói chung và hoa quả Việt Nam nói riêng, góp phần hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp.

Đối với thị trường xuất khẩu, báo cáo của Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, năm 2015 nhiều nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và một số nước châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... là thị trường xuất khẩu chính, do vậy, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hoạt động Xúc tiến thương mại giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm này. Ước tính lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).

Từ các giải pháp đồng bộ trên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, dự báo, giá vải thiều năm 2015 sẽ ổn định và có mức tương đương với năm 2014.

Tuy nhiên, để tránh lặp lại tình trạng "Được mùa mất giá" như thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU... Bộ sẽ tính toán một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng được ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường.

Ví dụ như, nếu TPP và FTA với Liên minh thuế quan, FTA với EU đi vào thực hiện sẽ mở ra những cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng nông - thủy sản, mặt hàng chế biến của Việt Nam gần như được đưa về mức thuế bằng 0% hoặc ở mức thấp để sau đó tiến tới bằng 0%, bên cạnh đó là việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hàng hóa của các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách dễ dàng.

Ngoài ra, trong hoạt động Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương sẽ có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa tính chủ động và vai trò của doanh nghiệp, qua đó tạo ra hiệu ứng kích thích cũng như hiệu quả lớn hơn trong vấn đề mở rộng thị trường.

Đối với phát triển thị trường trong nước, hoạt động kết nối cung - cầu cũng như khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường sẽ được liên bộ đẩy mạnh, tập trung theo các hướng trọng tâm gồm:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối. Gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ hai, thực hiện tổng kết để xem xét, nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01'2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường”.

Thứ tư, triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản có chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản).

Nguồn: Vinanet/Vietnamplus.vn


Nguồn:Vinanet