menu search
Đóng menu
Đóng

Nhiều mặt hàng chưa giảm giá, mặc dù CPI tháng 10 dưới mức 0,19%

09:28 27/10/2008
Lần đầu tiên trong năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã giảm với con số tuy còn rất khiêm tốn, chỉ mới ở mức 0,19%. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng vẫn chưa chịu giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm với con số tuy còn rất khiêm tốn, chỉ mới ở mức 0,19%, nhưng cho thấy đà tăng giá từ đầu năm đến tháng 9.2008 đã bước đầu được khống chế. Giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang có tác dụng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố ngày 25.10, CPI của tháng này đã giảm được 0,19% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm được 0,42% do tác động giảm giá rất mạnh của nhóm hàng lương thực (đã giảm tới 1,91%) nên đã kéo CPI xuống chỉ số âm trong tháng 10.

Nhóm hàng thứ hai đã giảm giá trong tháng 10 là phương tiện đi lại và bưu điện. Do tác động của việc giảm giá xăng dầu, CPI của nhóm này đã giảm tới 0,94%, trong đó nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm được 0,18%.

Nhóm hàng thứ ba giảm giá trong tháng là nhà ở và vật liệu xây dựng, CPI đã giảm được 1,08%. Những ngày gần đây, giá thép, gạch, cát, sỏi, ximăng đang giảm từ 10 - 18% so với tháng trước, nhưng việc tiêu thụ vẫn khó khăn bởi nhu cầu vật liệu xây dựng đã giảm mạnh do Nhà nước siết chặt đầu tư các công trình xây dựng, còn người dân cũng giảm xây dựng do giá vật tư xây dựng tăng quá cao.

Tuy nhiên, các mặt hàng khác trong nhóm được tính CPI vẫn đang còn trên đà tăng giá. Cụ thể CPI của nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép vẫn còn tăng 0,7%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%, nhóm hàng giáo dục tăng 0,69%, dược phẩm y tế tăng 0,58%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,67%... Chỉ số giá vàng trong tháng đã tăng tới 3,21%, nhưng chỉ số giá USD lại giảm 0,05%.

Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI của khu vực thành thị trong tháng giảm 0,13%, còn khu vực nông thôn giảm được 0,24%. Tuy nhiên, so với đầu năm, CPI đã tăng tới 21,64% và đã tăng 23,15% so với cùng kỳ năm trước.

Nói về giá cả thị trường thời gian tới, các chuyên gia kinh tế nhận định: Với việc kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng, giá xăng dầu, lương thực, sắt thép... giảm đã tác động mạnh vào tâm lý đầu cơ tích trữ găm hàng. Điều này sẽ làm cho tình hình giá cả của những tháng cuối năm nay sẽ không tăng mạnh như những năm trước. Dự báo sẽ chỉ tăng quanh mức 0,1 - 0,2%/tháng.

Khi giá cả nguyên liệu đầu vào như: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, thức ăn gia súc... tăng, nhiều mặt hàng tăng giá "ăn theo". Nay những mặt hàng nguyên liệu đầu vào đang giảm, nhưng giới kinh doanh bán lẻ vẫn hề không giảm giá.

Tại Hà Nội, rau muống vẫn giữ giá 2.000đ/bó, thịt lợn hơi đã giảm từ 36.000đ/kg xuống còn 30.000đ/kg, nhưng thịt thăn vẫn giữ nguyên giá 85.000đ/kg, thịt mông 65.000đ/kg, thịt bò 110.000đ/kg, gạo ngon 13.000đ/kg... như hồi thị trường trong cơn "bão giá".

Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chẳng mấy liên quan đến việc giá xăng dầu, kim loại tăng cao cũng từng ồ ạt tăng giá: Hạt nêm Aji ngon trước đây giá 37.000 đồng/gói/kg, nay lên 42.000 đồng. Bột ngọt Ajinomoto loại 400gr trước đây giá 10.800 đồng, nay giá giao cho các cửa hàng 17.200 đồng/gói. Nước rửa bát Mỹ Hảo tăng 4.500 đồng/lít, lên 12.500 đồng. Xàphòng Omo từ ngày 1.9 tăng thêm 2.500 đồng/gói 800gr... Nay mặt bằng giá đang "hạ nhiệt", nhưng giá hàng loạt mặt hàng tiêu dùng chưa hề giảm.

Giá cả tăng cao làm cho người tiêu dùng phải "thắt lưng buộc bụng". Điều này sẽ làm cho thị trường tiêu dùng và người sản xuất phải "trả giá". Nhiều mặt hàng nông sản không tiêu thụ được, thị trường vật liệu xây dựng, nhà đất... ế ẩm. Tốc độ gia tăng tiêu dùng trong tháng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tình trạng này còn kéo dài, sẽ có nguy cơ dẫn đến "giảm phát". Tuy nhiên, điều này còn nguy hiểm hơn lạm phát là tác động gây đình đốn sản xuất, dẫn đến kinh tế chậm tăng trưởng, thất nghiệp gia tăng... Đây chính là điều những nhà quản lý kinh tế không nên xem thường.

(LĐ)

Nguồn:Vinanet